BoJ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế, giữ nguyên chính sách tiền tệ

17:05' - 27/04/2021
BNEWS Ngày 27/4, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng ước tính tăng trưởng kinh tế cho tài khóa 2020-2021 (vừa kết thúc ngày 31/3 vừa qua), đồng thời khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Tuy nhiên, BoJ thừa nhận triển vọng tăng trưởng vẫn "không thực sự rõ ràng" và có thể thay đổi tùy thuộc diễn biến của đại dịch COVID-19 cũng như tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế nước này và thế giới.

Cụ thể, BoJ ước tính kinh tế Nhật Bản trong tài khóa 2020-2021 suy giảm 4,9%, so với mức dự báo giảm 5,6% đưa ra vào tháng 1 vừa qua. BoJ cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho tài khóa 2021-2022 lên 4% và tài khóa 2022-2023 lên 2,4%, từ các mức dự báo đưa ra trước đó lần lượt ở mức 3,9% và 1,8%.

BoJ giải thích: "Tốc độ tăng trưởng ước tính cao hơn, chủ yếu đối với tài khóa 2021-2022, là do nhu cầu trong và ngoài nước tăng mạnh". Ngoài ra, BoJ đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế sẽ "suy yếu dần" trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, BoJ một lần nữa buộc phải giảm dự báo lạm phát cho tài khóa 2021-2022 xuống mức 0,1% (so với mức dự báo 0,5% trước đó), cho tài khóa 2022-2023 là 0,8% và chỉ ở mức 1% cho tài khóa 2023-2024. Mức dự báo mới này cho thấy mục tiêu của Nhật Bản trong việc duy trì lạm phát ở mức 2% ngày càng khó đạt được, bất chấp hàng loạt gói kích thích và chính sách nới lỏng tiền tệ.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện tại nhằm đạt được mục tiêu về chỉ số lạm phát đã đề ra, và tái khẳng định sẽ "không ngần ngại thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần thiết". Ngân hàng này đồng thời bày tỏ hy vọng chính sách lãi suất ngắn hạn và dài hạn vẫn có thể giữ ở mức hiện tại hoặc thấp hơn.

Ông Marcel Thieliant, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics, cho biết với việc tăng tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian tới, các hoạt động kinh doanh nên khởi động trở lại nhằm khôi phục nhu cầu đang ở mức thấp trong thời gian dài.

Hiện tại, các khu vực của Nhật Bản, bao gồm cả các địa phương có hoạt động kinh doanh sầm uất như Tokyo và Osaka, đang trong tình trạng khẩn cấp do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba, khiến các trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán bar buộc phải đóng cửa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục