Bốn động lực tăng trưởng tiêu dùng tương lai của ASEAN

05:30' - 11/11/2020
BNEWS Tiêu dùng nội khối - vốn đang chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN - dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên mức 4.000 tỷ USD, trong khi dân số sẽ tăng lên 723 triệu người.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang là nền kinh tế đông dân thứ ba thế giới và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.

Đến lúc đó, tiêu dùng nội khối - vốn đang chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN - dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên mức 4.000 tỷ USD, trong khi dân số sẽ tăng từ mức 648 triệu người hiện nay lên 723 triệu người.

Theo tờ ASEAN Post ngày 4/11, ASEAN hiện đang phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn từ những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của khu vực xuống còn 1% trong năm nay. Tuy nhiên, dự kiến tăng trưởng hàng năm của ASEAN sẽ nhanh chóng phục hồi về mức 5% vào năm tới.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng Sáu vừa qua với tiêu đề "Tương lai tiêu dùng tại các thị trường có số lượng người tiêu dùng tăng trưởng nhanh - ASEAN", Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo rằng trong 10 năm tới, ASEAN sẽ có thêm 140 triệu người tiêu dùng, chiếm 16% tổng số người tiêu dùng mới của thế giới.

Báo cáo trên được xây dựng dựa trên kết quả các cuộc khảo sát chuyên sâu về người tiêu dùng với sự tham gia của 1.740 hộ gia đình tại 22 thành phố và thị trấn trên khắp khu vực Đông Nam Á, cũng như 35 cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân.

Báo cáo của WEF đã nhấn mạnh các triển vọng tiêu dùng hiện tại và tương lai của khu vực. Theo đó, trong bối cảnh số hóa lan nhanh tới các cộng đồng nông thôn, quá trình này sẽ loại bỏ rào cản phát triển đối với các doanh nghiệp nhỏ và cho phép cung cấp các dịch vụ cơ bản như chăm sóc y tế và dịch vụ tài chính.

Việc áp dụng kỹ thuật số cũng sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng tại ASEAN với động lực từ những người tiêu dùng kỹ thuật số bản địa. Vào năm 2030, dự kiến sẽ có gần 575 triệu người dùng Internet trong khu vực.

Trong báo cáo của WEF, 10 quốc gia ASEAN được phân thành ba nhóm khác nhau, dựa vào trình độ và tốc độ phát triển. Nhóm đầu tiên gồm 3 quốc gia Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Nhóm giữa - gồm 3 nền kinh tế mới nổi là Indonesia, Philippines và Việt Nam - chiếm tới 70% dân số và đóng góp hơn 50% GDP của cả khu vực. Nhóm cuối gồm 4 nền kinh tế là Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei.

Theo WEF, tăng trưởng tiêu dùng tương lai của 3 nước nhóm giữa và của cả ASEAN sẽ được thúc đẩy bởi bốn "động lực lớn" gồm điều kiện nhân khẩu học thuận lợi, sự gia tăng thu nhập, những thay đổi địa chính trị, và các xu hướng kỹ thuật số.

Trước hết, dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ, cùng làn sóng di cư lực lượng lao động đến các thành phố lớn nhỏ sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng tại 3 quốc gia thành viên mới nổi của ASEAN là Indonesia, Việt Nam và Philippines.

WEF cho rằng ba nước này sẽ là động lực tăng trưởng của cả khu vực trong thập kỷ tới, đóng góp tới 98% tăng trưởng lực lượng lao động và 70-80% số người tiêu dùng mới.

Dân số trong độ tuổi lao động của ASEAN sẽ tăng thêm 40 triệu người vào năm 2030, trong đó Indonesia đóng góp hơn một nửa.

Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 30 triệu người. Theo WEF, sự bùng nổ tầng lớp lao động trung lưu sẽ thúc đẩy mạnh mẽ năng suất và chi tiêu trong khu vực và dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của các nước ASEAN mới nổi sẽ vượt Trung Quốc.

Ngoài ra, chi phí lao động ở các nước ASEAN mới nổi cũng thấp hơn so với nhiều khu vực khác tại châu Á. Chi phí lao động tại Việt Nam được cho là chỉ bằng 50% tại Trung Quốc. Sự kết hợp giữa lực lượng lao động ngày càng đông, chi phí lao động thấp và tiềm năng tăng năng suất là điều rất hấp dẫn đối với đầu tư và tăng trưởng.

Hai là thu nhập gia tăng. Theo báo cáo của WEF, mức thu nhập sẽ tăng thêm 6-8% mỗi năm tại các nước ASEAN mới nổi, tạo ra các nền kinh tế được hỗ trợ bởi tầng lớp trung lưu.

Dự báo Việt Nam sẽ là nước ghi nhận mức tăng thu nhập cao nhất. Một yếu tố khác giúp thúc đẩy tiêu thụ là sự gia tăng đáng kể số lượng các hộ gia đình thu nhập cao và trung bình cao tại các nước ASEAN mới nổi – được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi từ mức 30 triệu hộ vào năm 2019 lên 57 triệu hộ vào năm 2030.

Ba là những sự thay đổi địa chính trị toàn cầu và các quy định địa phương cũng sẽ mở ra cánh cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các cơ hội khác. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra các thách thức như chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

WEF dự báo ASEAN sẽ trở thành điểm đến được ưa chuộng của các dự án FDI khi các công ty đa quốc gia tái cân bằng chuỗi cung ứng nhằm đa dạng hóa rủi ro địa chính trị và tận dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ.

Động lực cuối cùng giúp thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng của ASEAN là việc áp dụng kỹ thuật số. Theo WEF, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ thực sự trở nên bao trùm khi người tiêu dùng chấp nhận kỹ thuật số, các nhà đầu tư tài trợ cho hoạt động kinh doanh kỹ thuật số sáng tạo và chính phủ hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số quan trọng.

Tóm lại, với tư cách là một khối thị trường rộng lớn, ASEAN đang đứng trước một bước nhảy vọt về kinh tế-xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục