Triển vọng một đồng tiền kỹ thuật số cho ASEAN

05:30' - 30/10/2020
BNEWS Lợi ích rõ ràng nhất của đồng tiền kỹ thuật số ASEAN là sẽ làm giảm đáng kể các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới.

Ngày 26/10, trang mạng của Viện nghiên cứu RSIS Rajaratnam (Singapore) đã đăng bài bình luận của tác giả Dylan M.H Loh, Trợ lý Giáo sư thuộc Chương trình Các vấn đề toàn cầu và Chính sách Công (Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nanyang – NTU), về triển vọng xuất hiện một đồng tiền kỹ thuật số chung của khu vực ASEAN. 

Theo bài viết, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã làm dậy sóng giới tài chính khi nước này thử nghiệm thanh toán điện tử bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP) tại 4 thành phố vào tháng 4/2020.

Cuộc thử nghiệm này tiếp tục được mở rộng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) thông báo rằng thành phố Thâm Quyến sẽ phân phối 10 triệu nhân dân tệ miễn phí trong một hệ thống xổ số cho người dân, và hệ thống này có thể cho phép họ chi tiêu đồng nhân dân tệ điện tử tại một số cửa hàng nhất định cũng như trong hệ thống tàu điện ngầm của thành phố.

Hệ thống xổ số này sau đó đã trở nên bị quá tải với 2 triệu người đăng ký để tranh giành 50.000 "bao lì xì" kỹ thuật số, mỗi bao lì xì trị giá 200 nhân dân tệ Trung Quốc.

Trải nghiệm của Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng thảo luận của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới - làm thế nào để khai thác tốt nhất và triển khai đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC)? Và động thái này sẽ mang lại lợi ích gì cho nhà nước?

* Lợi ích khu vực và đồng tiền kỹ thuật số ASEAN

Lấy ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các nỗ lực của mình trong việc nghiên cứu cách thức khởi xướng đồng tiền euro kỹ thuật số và những sự tham vấn công chúng công khai đã được triển khai từ ngày 12/10/2020. 

Trong khi Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) gần đây đã công bố một đồng tiền duy nhất (đồng eco), thì những người nhiệt tình, hứng khởi và đam mê với đồng tiền kỹ thuật số đã chỉ ra rằng đây là một cơ hội bị bỏ lỡ để có thể "số hóa tiền tệ" trên nền tảng công nghệ chuỗi khối.

Do đó, đã đến lúc ASEAN phải bắt đầu các cuộc thảo luận về khả năng có CDBC và một "đồng tiền ASEAN" như vậy hay không? Lợi ích rõ ràng nhất của đồng tiền kỹ thuật số ASEAN là sẽ làm giảm đáng kể các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới. 

Thứ nhất, nếu như một công ty trước đây sẽ phải trao đổi tiền tệ để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ xuyên biên giới, thì nay một loại tiền kỹ thuật số ASEAN hứa hẹn sẽ cắt giảm chi phí trung gian cho việc trao đổi tiền tệ và thực hiện thanh toán ngay lập tức.

Được tích hợp với những phát triển mới nhất trong lĩnh vực "tài chính phi tập trung" và "hợp đồng thông minh", đồng tiền kỹ thuật số có tiềm năng biến đổi hoàn toàn. Điều này cũng sẽ đồng bộ với các dự án ASEAN hiện có như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và lộ trình Kết nối ASEAN 2025.

Trong bối cảnh đó, một đồng tiền kỹ thuật số ASEAN chắc chắn có thể là chất xúc tác cho việc nhấn mạnh trọng tâm vào việc thiết lập ASEAN như một "thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất" và có "chế độ đầu tư tự do và cởi mở".

Thứ hai, năm 2019, một báo cáo của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain cho thấy rằng 7 trong số 10 người Đông Nam Á đang ở trong tình trạng thiếu tiếp cận hoặc không được tiếp cận các ngân hàng, "không có thẻ tín dụng hoặc không có sản phẩm tiết kiệm dài hạn" hoặc "không có tài khoản ngân hàng cơ bản".

Trong bối cảnh đó, một loại tiền kỹ thuật số ASEAN có thể mang lại sự hòa nhập tài chính cho hàng triệu công dân và doanh nghiệp nhỏ của ASEAN không được tiếp cận hoặc có mức độ tiếp cận thấp đối với ngân hàng.

Ví dụ, một ngư dân ở Indonesia về mặt lý thuyết có thể tham gia vào hệ sinh thái tài chính ASEAN bằng điện thoại thông minh - và kinh doanh trực tiếp với các công ty ASEAN khác và người tiêu dùng - mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. 

Thứ ba, một đồng tiền kỹ thuật số ASEAN có thể giúp khối này bảo vệ, giữ gìn được sự trung tâm chính trị và tài chính của mình. Đặt trong tình huống sự "trưởng thành" của đồng nhân dân tệ điện tử Trung Quốc, thì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nước này triển khai áp dụng đồng nhân dân tệ ra toàn quốc gia.

Khi điều đó diễn ra, bước đi tự nhiên tiếp theo sẽ là bơm đồng nhân dân tệ điện tử vào sáng kiến "Vành đai Con đường" (BRI) và các nỗ lực ngoại giao. Có báo cáo cho thấy nhiều cửa hàng, cửa hiệu tại Quận Myeongdong (Seoul, Hàn Quốc) - đã mở cửa cho việc thanh toán bằng tiền nhân dân tệ điện tử. 

Do Alipay và WeChat đã là những lựa chọn thanh toán phổ biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á, nên việc chuyển sang hệ thống đồng tiền nhân dân tệ điển tử sẽ dễ dàng hơn.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc có một CBDC ASEAN có thể củng cố quyền tự chủ tài chính của nhóm khu vực - đảm bảo rằng nhóm này không phải dựa vào bất kỳ nước lớn nào để có được "sự bao gồm tài chính" hoặc quá phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài đối với cấu trúc kỹ thuật công nghệ tài chính (fintech) của mình. 

Chắc chắn, các nước ASEAN đã và đang ở nhiều giai đoạn phát triển CBDC của riêng mình. Các thử nghiệm của Singapore và Thái Lan đối với các CBDC đang ở giai đoạn "rất chín muồi" và có thể sẽ sớm thấy được việc triển khai thí điểm CBDC. Các nước ASEAN khác như Philippines đang xem xét áp dụng CBDC.

Theo cách đó, có thể thấy "bí quyết" kỹ thuật và kiến thức chuyên gia đã hiện hữu ở cấp độ ASEAN để khiến mọi việc diễn ra tốt đẹp. 

* Tầm nhìn của đồng tiền kỹ thuật số ASEAN và những thách thức 

Mặc dù có tiềm năng để các nước ASEAN tạo ra đồng tiền kỹ thuật số ASEAN, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể để có thể hiện thực hóa tầm nhìn này. Đầu tiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có sự khác biệt đáng kể.

Một số quốc gia đi trước đã phát triển ở mức đáng kể so với những quốc gia khác trong việc có các hệ thống sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ và hợp lý về mặt kỹ thuật.

Ví dụ, Singapore đứng thứ tư trên toàn thế giới về chỉ số kết nối toàn cầu và có tỷ lệ sử dụng thiết bị di động khoảng 150%. Con số này cao hơn nhiều so với Lào, quốc gia có tỷ lệ sử dụng thiết bị di động chỉ đạt 54% vào năm 2017, trong khi tỷ lệ sử dụng Internet là 43% vào tháng 1/2020.

Tiếp theo và có lẽ thách thức lớn nhất là thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị rằng một loại tiền kỹ thuật số ASEAN không nhất thiết phải bao hàm vấn đề chủ quyền cũng như không phải có một hệ thống tiền tệ duy nhất. 

Một loại tiền kỹ thuật số trên toàn ASEAN có thể tự mô phỏng theo mẫu đồng tiền Libra của Facebook - gắn nó vào một rổ các đồng tiền các nước ASEAN - do đó đảm bảo sự ổn định về giá cả và không cần các quốc gia phải từ bỏ tiền tệ quốc gia của họ.

Các ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên ASEAN sau đó phải đảm bảo rằng đồng tiền này có tính thanh khoản và có thể dễ dàng trao đổi sang các loại tiền tệ quốc gia tương ứng. Trong mọi trường hợp, sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng, tài chính và kinh tế trước đây đã không ngăn cản ASEAN đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN. 

Như với bất kỳ ý tưởng mới lạ nào, viễn cảnh diễn ra những hậu quả không mong muốn vẫn còn đó. Một đồng tiền kỹ thuật số ASEAN trước mắt có thể khiến các chính sách tiền tệ quốc gia của các nước ASEAN rơi vào tình trạng khó khăn.

Mặc dù vậy, việc áp dụng có thể tiến hành theo "cách tiếp cận so le", trong đó việc áp dụng được thử nghiệm với một số ngành, lĩnh vực công nghiệp ASEAN trước khi được triển khai sang các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Việc thực hiện cũng có thể trở nên khó khăn và các vấn đề cần giải đáp về nguy cơ rửa tiền với một loại tiền tệ khu vực như vậy cũng phải được đặt ra. 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cho thấy một cách rất rõ ràng rằng các giải pháp giống nhau, dập khuôn máy móc đã hoạt động trong thời gian dài như thế nào cần phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc.

Mặc dù có thể còn một khoảng thời gian nhất định trước khi đồng tiền kỹ thuật số trong toàn ASEAN trở thành hiện thực, song các quốc gia thành viên ASEAN bắt buộc phải bắt đầu suy nghĩ về khả năng này trong một thế giới hậu tiền tệ vật lý.

Khi các chủ thể chính trị khác nhau trên toàn cầu thúc đẩy các dự án CBDC của họ thì sự bất bình đẳng chắc chắn trong tương lai gần có thể không phải là bất bình đẳng về mặt tài chính mà là bất bình đẳng về mặt kỹ thuật công nghệ. Do đó, các cuộc thảo luận về một đồng tiền ASEAN, tập trung vào "sự bao gồm tài chính" với "bí quyết" của ASEAN, nên được bắt đầu ngay bây giờ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục