Booking.com vào tầm ngắm của Ủy ban châu Âu

11:33' - 15/05/2024
BNEWS Các nhà chức trách của Ủy ban châu ÂU đang tăng cường kiểm tra hoạt động của Booking.com, đảm bảo công ty này tuân thủ theo đúng quy tắc cạnh tranh mới nghiêm ngặt của EU.

Ngày 13/5, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo nền tảng đặt phòng khách sạn trực tuyến của Hà Lan, Booking.com, phải tuân theo các quy tắc cạnh tranh mới nghiêm ngặt hơn được áp dụng đối với một số “gã khổng lồ” công nghệ tại Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà chức trách của EC nghi ngờ Booking.com lạm dụng vị trí thống trị thị trường, chi phối các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Đây là ví dụ điển hình cho thấy quyết tâm của EU trong việc mạnh tay hơn với sức mạnh của các “gã khổng lồ” công nghệ.

Quy định về thị trường kỹ thuật số (DMA) nhằm giám sát và ngăn chặn việc lạm dụng vị trí thống trị thị trường để bảo vệ sự xuất hiện và phát triển của các công ty khởi nghiệp ở châu Âu, đồng thời cải thiện lựa chọn cho người dùng.

Quy định này đã được áp dụng từ đầu tháng Ba đối với một số dịch vụ của 5 tập đoàn khổng lồ Mỹ là Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc ByteDance. Quy định áp đặt một loạt hạn chế đối với các công ty để ngăn chặn hành vi không lành mạnh có thể loại bỏ hoặc hạn chế sự cạnh tranh.

Tại Bỉ, Booking.com chiếm thị phần rất lớn. "Booking là một đối thủ cạnh tranh quan trọng trong hệ sinh thái du lịch châu Âu, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng họ tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình", Ủy viên châu Âu về kỹ thuật số Thierry Breton tuyên bố.

Booking.com hiện có thời hạn sáu tháng để tuân thủ tất cả các quy định pháp lý. Trong một phản hồi mới đây nhất, công ty này tuyên bố ngắn gọn: "Chúng tôi đang xem xét quyết định chỉ định này và sẽ tiếp tục làm việc một cách xây dựng với EC để thực hiện các giải pháp tuân thủ".

 

EC cũng đã thông báo rằng họ đang mở một cuộc điều tra để xem liệu DMA có nên áp dụng cho mạng xã hội X (trước đây là Twitter), thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk, hay không và các nhà chức trách có 5 tháng để đưa ra quyết định.

Các tập đoàn tuân theo DMA phải thông báo cho Brussels về mọi dự án mua lại công ty kỹ thuật số ở châu Âu, bất kể quy mô của mục tiêu. Mục đích là để ngăn chặn sự chiếm đoạt đổi mới và mua lại chỉ nhằm mục đích loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Một ví dụ khác, các tập đoàn trong phạm vi bao trùm của DMA không còn được phép sử dụng dữ liệu do các công ty khách hàng của họ tạo ra để cạnh tranh, như Amazon bị cáo buộc đã làm trong nhiều năm. Họ cũng phải cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào dữ liệu này.

"Tin tốt ngày hôm nay là du khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn và các khách sạn sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn", Ủy viên Cạnh tranh Margrethe Vestager khẳng định.

Vào cuối tháng Ba, EC đã mở 5 thủ tục tố tụng chống lại Apple, Alphabet (Google) và Meta (Facebook, Instagram) vì nghi ngờ vi phạm quy định mới. Nếu vi phạm được chứng minh, các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu của họ và thậm chí 20% trong trường hợp tái phạm.

Sau nhiều năm theo đuổi vô ích các hành vi lạm dụng vị trí thống trị thị trường của các “gã khổng lồ” công nghệ với luật pháp không đủ sức răn đe, EU hy vọng cuối cùng đã trang bị cho mình DMA - một vũ khí đủ mạnh để khuất phục họ.

Quy định này bổ sung cho kho luật cạnh tranh truyền thống của EU. Vào cuối tháng Chín năm ngoái, EC đã cấm Booking.com mua lại eTraveli của Thụy Điển, vì lo ngại vị thế thống trị thị trường trong lĩnh vực đại lý du lịch trực tuyến có thể dẫn đến việc tăng giá đối với khách hàng.

Theo EC, nền tảng có trụ sở tại Amsterdam đã đạt được một phần thị trường vượt quá 60% tại châu Âu trong vòng 10 năm qua. Bỉ cũng không phải là ngoại lệ khi nền tảng Booking hiện diện khắp nơi.

"Đó là một đối tác của hầu hết các khách sạn tại Brussels", Tổng thư ký Hiệp hội khách sạn Brussels (BHA) Rodolphe Van Wayenbergh cho biết, nhưng không đưa ra con số cụ thể. Tuy nhiên, rõ ràng là cần phải đảm bảo không có sự lạm dụng vị thế thống trị, như đối với bất kỳ doanh nghiệp nào khác.

Luật DMA áp dụng cho các "ông lớn" công nghệ hoạt động ở ít nhất 3 quốc gia châu Âu, đáp ứng những điều kiện sau: Vốn hóa thị trường hoặc doanh thu "khủng", vốn hóa thị trường của công ty phải vượt quá 75 tỷ euro hoặc doanh thu hàng năm tại châu Âu trên 7,5 tỷ euro.

Điều kiện tiếp theo là công ty phải có ít nhất 45 triệu người dùng cuối và 10.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ tại châu Âu. Dịch vụ của công ty được xem là "thiết yếu" trên thị trường, nghĩa là người dùng và doanh nghiệp khó có thể tìm kiếm lựa chọn thay thế.

Để tuân thủ DMA, các công ty này cần được EC - cơ quan giám sát cạnh tranh trong EU - chính thức chỉ định. EC sẽ dựa vào tính "không thể thiếu" của dịch vụ trên thị trường để đưa ra quyết định. Nói tóm lại, DMA nhắm đến các "ông lớn" công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường kỹ thuật số châu Âu, đảm bảo họ cạnh tranh công bằng và bảo vệ người tiêu dùng.

DMA là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm kiểm soát sức mạnh của các tập đoàn công nghệ lớn. Quy định này đảm bảo các công ty không lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật số.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục