Brexit mở đường cho "Thế kỷ châu Á"

14:10' - 14/07/2016
BNEWS Các nhà phân tích cho rằng việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và sự bất mãn ở các nước phương Tây khác đang được xem là dấu hiệu sẽ mở đường cho một "Thế kỷ châu Á".
Brexit mở đường cho "Thế kỷ châu Á". Ảnh: reuters

Các nhà phân tích cho rằng việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và sự bất mãn ở các nước phương Tây khác đang được xem là dấu hiệu sẽ mở đường cho một "Thế kỷ châu Á", với sự đi đầu của Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vào năm 2050, châu Á sẽ chiếm hơn một nửa GDP của toàn cầu, gần gấp đôi của năm 2011, với thêm ba tỷ người sung túc giàu có.

Ba thế kỷ trước, trước khi diễn ra cách mạng công nghiệp, châu Á là một trung tâm quyền lực nổi bật của thế giới.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được dự báo sẽ vượt Mỹ trong khoảng một thập niên, trong lúc Ấn Độ sẽ là quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022.

Tháng 11 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ các đồng tiền dự trữ của thế giới, cùng với đồng bảng Anh, USD, euro và yen.

Trong khi đó, các "ngôi sao" kinh tế đang lên Indonesia và Philippines tăng trưởng với nhịp độ khoảng 5%, trong lúc châu Âu vẫn trì trệ.

Brexit (chỉ việc nước Anh ra khỏi EU) gợi lên nỗi ám ảnh về sự ra đi theo hiệu ứng domino của các nước thành viên khác trong EU, khu vực đã điêu đứng vì khủng hoảng di cư và khủng hoảng đồng euro, cũng như khả năng một Vương quốc Anh tan vỡ nếu Scotland tiến hành trưng cầu dân ý về độc lập.

Nga, nước đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ, trong khi có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Ấn Độ, hoan nghênh việc cử tri nước Anh chọn Brexit.

EU và các tổ chức quyền lực khác như Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ra đời từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, với tầm nhìn hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh.

Nhưng xu hướng toàn cầu hóa và sự chậm trễ của các tổ chức trong cải cách đã khiến các nước châu Á cảm thấy không có sự hiện diện đủ lớn và muốn thành lập các tổ chức mới.

Hồi tháng Một, Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB), được xem là đối trọng với WB hay ADB, do Trung Quốc khởi xướng đã đi vào hoạt động.

AIIB đã thu hút 57 thành viên, trong đó có nước Anh và Australia, trong khi Mỹ và Nhật Bản vắng mặt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục