BRICS – Công cụ theo đuổi tham vọng toàn cầu của Trung Quốc

05:30' - 09/09/2017
BNEWS Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor có bài viết cho hay Trung Quốc đang tìm cách biến BRICS thành công cụ theo đuổi tham vọng toàn cầu, song lại vấp phải rào cản là Ấn Độ.
BRICS - Công cụ theo đuổi tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ra đời năm 2001, các nhà phân tích của Goldman Sachs từng dự đoán nhóm này sẽ trở thành một tổ chức có tiếng nói trên thế giới.

Trong nhiều năm, các quốc gia thành viên BRICS cho rằng cách tốt nhất để có thể tham gia tiến trình quản trị thế giới là thể hiện một mặt trận thống nhất.

Tuy nhiên, ngày nay BRICS ngày càng có xu hướng chỉ dựa trên một thành viên duy nhất là Trung Quốc. Hội nghị cấp cao thường niên của BRICS diễn ra tại thành phố Trung Quốc không chỉ là dịp để Chủ tịch Tập Cận Bình tự đề cao tầm quan trọng của cá nhân, mà còn là cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu.

Tuy sức nặng kinh tế của Bắc Kinh khiến Trung Quốc có thể định hướng được chủ đề của cuộc họp năm nay, song còn một cường quốc quan trọng khác trong BRICS không muốn để mặc Trung Quốc "tự tung tự tác", đó là Ấn Độ.

Nếu BRICS chỉ bao gồm bốn quốc gia, không có Ấn Độ, chắc hẳn tổ chức này sẽ dễ đạt được sự đồng thuận hơn. Tuy nhiên, Ấn Độ - vốn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây - đang ngày càng trở thành một "kẻ phá quấy", chí ít là trong mắt Trung Quốc.

Sau cuộc gặp năm ngoái, Ấn Độ đã gây căng thẳng với Nga và Trung Quốc khi từ chối phê chuẩn thông điệp chống khủng bố của khối. Trong năm qua, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc càng gia tăng do Bắc Kinh củng cố quan hệ với Pakistan, đối thủ của Ấn Độ.

Đối với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, căng thẳng với Ấn Độ là nhân tố gây phức tạp. Bắc Kinh đang cố gắng khẳng định vị thế trên trường thế giới như một đối thủ "đáng gờm" của Washington, đồng thời là nhà lãnh đạo tiềm tàng của trật tự thế giới mới. Với mục tiêu này, Trung Quốc đã phát động một số sáng kiến quan trọng, trong đó nổi bật là dự án "Vành đai và Con đường".

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách thể hiện là nước ủng hộ tự do mậu dịch sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bắc Kinh coi sự rút lui này của Mỹ là cơ hội để họ thúc đẩy "siêu" khối của riêng mình, đó là thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dự kiến được hoàn tất vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, RCEP hiện bao gồm cả Ấn Độ và trong khi có nhiều lý do khác để làm trì hoãn các cuộc đàm phán về RCEP - như là những ưu tiên khác nhau giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc - sự "cố chấp" của Ấn Độ cũng đóng vai trò quan trọng làm ngưng trệ dự án RCEP.

Trong quá trình thực thi những kế hoạch đầy tham vọng cho BRICS, Trung Quốc luôn phải đối diện với những "cơn gió ngược" từ Ấn Độ. Tháng 3/2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất mô hình "BRICS +", theo đó kết nạp thêm những quốc gia đang phát triển khác.

Tuy nhiên, Ấn Độ phản đối vì cho rằng đây là âm mưu của Trung Quốc nhằm vô hiệu hóa ảnh hưởng của mình. Và mặc dù Trung Quốc đã mời Tajikistan, Ai Cập, Thái Lan, Mexico và Guinea tới tham dự hội nghị năm nay, song xem ra đây sẽ là năm duy nhất các nước này được tham dự sự kiện của BRICS.

15 năm trước, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đủ nhỏ để có thể dễ dàng gạt sang bên bất đồng. Nhưng hiện tại, hai quốc gia đã đạt tới quy mô có thể đẩy họ vào thế bất đồng khi mà cả hai nước đều muốn gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Thế nhưng, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm gạt Ấn Độ khỏi BRICS sẽ đều không dễ dàng.

Ấn Độ có vị trí vững chắc trong các thể chế của khối này - đơn cử như Chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS là người Ấn Độ. Ngoài ra, Nga - nước vẫn có quan hệ nồng ấm với Ấn Độ - có thể sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại New Delhi.

Các quốc gia BRICS ban đầu được gắn kết với nhau bằng tiềm năng tăng trưởng, song giờ đây chính thực tế của sự tăng trưởng đang gây ra vấn đề giữa các thành viên.

Trong khi Trung Quốc muốn biến BRICS thành một mắt xích trong chiến lược toàn cầu rộng hơn của họ, Bắc Kinh sẽ phải tìm cách kiểm soát sự hiện diện mang tính "phá quấy" của Ấn Độ trong rất nhiều tổ chức đa phương mà Trung Quốc khởi xướng.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 của khối BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã chính thức khai mạc tại thành phố Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc, và dự kiến hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 5/9.

Tham dự hội nghị lần này có Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi phức tạp và sâu sắc hiện nay, hợp tác giữa các nước BRICS đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời kêu gọi các nước thành viên BRICS nên thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực chống chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy cải cách năng lực điều hành kinh tế thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục