BSR nộp ngân sách nhà nước hơn 6.330 tỷ đồng

16:49' - 11/09/2021
BNEWS Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp ngân sách nhà nước hơn 6.330 tỷ đồng trong 8 tháng qua.

Theo Phó Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, cùng với lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm mạnh trong quý III khiến BSR gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đứng trước tình hình này, BSR đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn hiệu quả. Nhờ vậy, trong 8 tháng qua, sản lượng sản xuất của BSR đạt 4,48 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 4,13 triệu tấn, doanh thu đạt 60.805 tỷ đồng.
BSR cho biết, trong những tháng cuối năm, giá dầu thô được dự báo có xu hướng giảm nhẹ, crack margin của xăng (chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu) có xu hướng giảm, xăng máy bay Jet A1 và dầu diesel có xu hướng tăng nhưng không đáng kể.
Dựa theo tình hình diễn biến của dịch COVID-19 và dự báo thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước, BSR đã xây dựng 4 kịch bản sản xuất kinh doanh nhưng cả 4 kịch bản này đều cho thấy lợi nhuận sẽ không tốt do BSR vận hành ở công suất thấp và crack margin chưa thực sự có lợi cho lọc dầu.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, BSR đã đề ra 4 nhóm giải pháp chính. Cụ thể, về vận hành, BSR tiếp tục duy trì nhà máy vận hành liên tục, ổn định ở công suất tối thiểu; tối ưu hóa tồn kho, điều độ tàu và xuất hàng để giảm thiểu chi phí phát sinh do tàu chờ và gửi kho.
Về dầu thô và sản phẩm, BSR tiếp tục đàm phán với chủ dầu để giảm thiểu hoặc hoãn lượng hàng nhập, tổ chức bán các lô dầu đã mua; đôn đốc khách hàng nhận tối đa sản phẩm theo hợp đồng đã ký, thực hiện gửi kho trên bờ hoặc kho nổi, áp dụng các chính sách bán hàng linh loạt như chiết khấu, giãn thanh toán.
Về quản trị dòng tiền, BSR tích cực làm việc với các đối tác để giãn thời gian thanh toán các chi phí, giãn thanh toán tiền mua dầu thô, thanh toán tiền dầu thô nhập khẩu bằng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trả chậm (UPAS LC), giãn nộp thuế, thu hồi công nợ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Cho ý kiến về các giải pháp của BSR, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu BSR đạt 2 mục tiêu là quản trị dòng tiền, không để đứt dòng tiền trong sản xuất kinh doanh và đạt chỉ tiêu về nộp ngân sách nhà nước.

Theo đó, BSR cần lựa chọn phương án đảm bảo vận hành liên tục nhà máy, nỗ lực cao nhất để tồn kho dầu thô và sản phẩm không cao, áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng, gửi kho sản phẩm, tích cực làm việc với các đối tác để giãn thanh toán dầu thô, chi phí thuê tàu, thu hồi công nợ, tiếp cận các vốn vay ưu đãi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục