Bundesbank dự kiến ​​lạm phát của Đức lên gần 6%

11:22' - 23/11/2021
BNEWS Báo cáo của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho biết mức lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục tăng cao trong tháng 11 này và tiến sát mức 6% - mức cao nhất kể từ năm 1992.

Bundesbank từ lâu đã nhận định mức lạm phát ở Đức sẽ dịch chuyển "theo hướng tăng 5%" trong suốt cả năm.

Gần đây nhất, nhà kinh tế trưởng Jens Ulbrich của Bundesbank cho rằng tỷ lệ lạm phát ở Đức thậm chí có thể lên hơn 5% trong tháng 11 này.

Bundesbank cũng kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ giảm trong năm tới, song có thể ở mức trên 3% trong thời gian dài.

Hồi tháng 10 vừa qua, giá cả tăng mạnh trở lại đã đẩy tỷ lệ lạm phát tăng lên 4,6% từ mức 4,1% trong tháng trước đó. Trong tháng 11 này, lạm phát thậm chí có thể lên mức suýt soát 6%.

Một trong những yếu tố chính tác động tới lạm phát là việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 trong giai đoạn nửa cuối năm 2020 và mức thuế cũ có hiệu lực trở lại từ đầu năm nay. Tuy nhiên, sau khi hiệu ứng đặc biệt từ VAT không còn, tỷ lệ lạm phát từ đầu năm 2022 dự kiến sẽ giảm đáng kể.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde trước đó cũng cảnh báo lạm phát ở Liên minh châu Âu (EU) có thể kéo dài hơn dự kiến.

Trong báo cáo, Bundesbank cũng phê phán kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 12 euro/tuần (khoảng 13,5 USD/tuần) mà liên minh "Đèn giao thông" - gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đàm phán thành lập Chính phủ Đức dự kiến áp dụng vào cuối năm 2022.

Theo Bundesbank, trong bối cảnh hiện nay, kế hoạch này có khả năng làm tăng áp lực tiền lương, kéo theo lo ngại về vòng xoáy tăng giá.

Bundesbank cho rằng những biến động kinh tế do đại dịch COVID-19, như tắc nghẽn cung ứng và số ca nhiễm mới tăng cao ở khắp nơi, đang có tác động lớn hơn tới nền kinh tế vào cuối năm nay.

Đặc biệt, một số biện pháp phòng chống COVID-19 cũng đã được thắt chặt trở lại do số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng.

Nguy cơ bị tắc nghẽn nguồn cung ứng trong quý IV/2021 có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quý hiện tại. Theo Bundesbank, động lực tăng trưởng tích cực sẽ đến từ ngành xây dựng.

Theo Cục Thống kê liên bang Đức, chi tiêu tiêu dùng hằng tháng của các hộ gia đình đã giảm 3% so với năm trước, xuống mức trung bình 2.507 euro trong năm 2020.

Việc ngừng các hoạt động và hạn chế tiếp xúc, hạn chế số người tham gia sự kiện, như ở các cơ sở giải trí và dịch vụ, đã dẫn đến sự sụt giảm này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục