Khi nào tình trạng lạm phát cao tại Mỹ sẽ kết thúc?

06:30' - 21/11/2021
BNEWS Lạm phát được dự báo sẽ không giảm trong vòng một đến ba tháng nữa, bởi sẽ cần nhiều thời gian để chính phủ và doanh nghiệp ổn định sự hỗn loạn do đại dịch gây ra.

Theo nhận định của Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu thị trường Moody's Analytics, kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào mùa Xuân năm 2020, kinh tế Mỹ đã chịu nhiều tác động nặng nề với hàng triệu việc làm bị mất.

Nhiều người đã hy vọng rằng đại dịch sẽ sớm đi qua sau khi quốc gia bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine trên diện rộng vào mùa Xuân này. Tuy nhiên, không lâu sau đó, biến thể Delta đã tấn công nước Mỹ vào mùa Thu khiến nhiều người thiệt mạng hơn, trong khi những tác động kinh tế ngày càng trầm trọng với lạm phát bị kích hoạt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Mười đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hơn 30 năm qua. Giá cả mọi mặt hàng đều tăng mạnh, từ xăng dầu, thực phẩm đến xe ô tô cũ. Đối với một hộ gia đình có thu nhập trung bình gần 70.000 USD mỗi năm, ước tính mức tăng lạm phát này làm tăng chi phí sinh hoạt của họ thêm gần 200 USD mỗi tháng.

Theo nhà kinh tế Mark Zandi, mức lạm phát cao hiện nay sẽ không duy trì trong dài hạn. Lạm phát được dự báo sẽ không giảm trong vòng một đến ba tháng nữa, bởi những nỗ lực ổn định sự hỗn loạn do đại dịch gây ra sẽ cần nhiều thời gian.

Nhưng một năm nữa, khi đại dịch đã đi qua, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ ở mức thấp đến mức chúng ta không còn nói về vấn đề này nữa. Quan ngại về tình hình lạm phát cao là dễ hiểu, nhưng có những thời điểm nỗi lo sợ đó bị thổi phồng.

Ông Mark Zandi chỉ ra rằng lạm phát tăng một phần là do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch, chẳng hạn như bán lẻ hàng may mặc, khách sạn, công ty cho thuê ô tô và nhà hàng, chỉ khôi phục lại mức giá mà họ đã buộc phải giảm trước đó trong giai đoạn đại dịch để tồn tại.

Đây là điều chỉnh giá mang tính một lần duy nhất. Mức tăng giá tiêu dùng trong hai năm qua tính đến tháng 10/2021, không tính biến động giá do đại dịch gây ra, tăng trung bình 3,7%/năm. Đây vẫn là con số cao, nhưng ít hơn nhiều so với mức 6,2%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cao hơn cũng là kết quả của việc doanh nghiệp chỉ tăng sản lượng dần dần để quan sát sự phục hồi của nhu cầu. Đây không phải là điều bất thường sau khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Các doanh nghiệp cần có thời gian quan sát xem nhu cầu đã thực sự mạnh hơn và có thể duy trì đà phục hồi hay không, do đó họ vẫn thận trọng trước kế hoạch tăng mạnh sản xuất. Đặc biệt là sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để các nhà máy, giàn khoan dầu và khách sạn đã đóng cửa có thể hoạt động trở lại.

Nếu nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, giá hàng hóa cao hơn sẽ thuyết phục người tiêu dùng giảm chi tiêu cho những thứ đắt đỏ và thuyết phục các doanh nghiệp gia tăng sản xuất. Khi đó, khoảng cách cung cầu sẽ dần thu hẹp và lạm phát điều hòa ở mức vừa phải.

Xu thế này đang diễn ra trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trước đại dịch, với mức tiêu thụ trên thế giới, các công ty dầu mỏ sản xuất hơn 100 triệu thùng/ngày, và giá xăng chỉ vào khoảng 2,5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). Ngày nay, sau khi đại dịch đã dần được kiểm soát, thế giới vẫn đang tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng các công ty dầu mỏ đang sản xuất ít hơn, và giá xăng tăng lên gần 3,5 USD/gallon.

Không phải ngành công nghiệp dầu mỏ không có khả năng sản xuất nhiều hơn, nhưng rõ ràng giá cao sẽ có lợi cho họ hơn và do đó, doanh nghiệp không sẵn sàng tăng mạnh sản lượng. Dù vậy, mức lợi nhuận hấp dẫn và áp lực cạnh tranh sẽ sớm thôi thúc các nhà sản xuất “vàng đen” tăng sản xuất. Giá xăng dầu sẽ giảm trở lại, và thay vì là nhân tố thúc đẩy lạm phát thì sẽ trở thành lực cản đà tăng giá tiêu dùng.

Khoảng cách giữa cung và cầu, dẫn đến lạm phát cao, sẽ kéo dài khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn “lao đao” do đại dịch. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị xáo trộn nghiêm trọng. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á - nơi bắt đầu nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta.

Hoạt động của các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Malaysia đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi các ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong nước, buộc các nhà máy sản xuất ô tô và hàng điện tử phụ thuộc vào chất bán dẫn trên toàn cầu bị ngừng trệ. Dự trữ xe ở Mỹ chưa bao giờ thấp đến thế và giá xe ô tô đã tăng mạnh.

Biến thể Delta cũng đã khiến tình trạng hỗn loạn trên thị trường việc làm trở nên trầm trọng hơn. Hàng triệu người lao động đã không thể lấp đầy số lượng công việc bị bỏ lại bởi những người bị nhiễm COVID-19, hoặc đang chăm sóc người bị nhiễm hoặc không đi làm vì lo sợ dịch bệnh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng tiền thưởng hoặc trả lương cao hơn để thu hút và giữ chân người lao động, và sau đó thì tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ để giúp trang trải chi phí lao động cao hơn.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, người lao động khỏe mạnh và quay lại làm việc, tình trạng thiếu lao động trầm trọng và tăng lương cao hơn sẽ chấm dứt, đồng nghĩa với việc tình trạng tăng giá cũng sẽ dừng lại. Hơn nữa, những người lao động bị mất việc làm vĩnh viễn trong thời kỳ đại dịch sẽ tìm được một công việc mới. Những người phải ở nhà chăm sóc con cái trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ trở lại làm việc khi các trường học mở cửa và trẻ em được tiêm chủng.

Ông Mark Zandi thừa nhận kỳ vọng lạm phát của mình có thể “tích cực thái quá”. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các nhà kinh tế đều cho rằng lạm phát trong tương lai sẽ vẫn tăng cao, người lao động sẽ yêu cầu mức lương cao hơn và doanh nghiệp sẽ tin rằng họ có thể chuyển phần chi phí cao hơn này cho khách hàng.

Vòng xoáy giá cả và tiền lương là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát cao dai dẳng mà nước Mỹ đã trải qua cách đây 30 năm. Tuy vậy, không có bằng chứng cho thấy kịch bản đó lặp lại vào lúc này. Kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư vẫn ổn định ở mức chỉ trên 2% - phù hợp với quan điểm của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Những luận điểm trên cũng bác bỏ quan điểm cho rằng việc chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch đã khiến lạm phát cao hơn. Các chính sách hỗ trợ chắc chắn đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng vào mùa Xuân năm 2020, nhưng hiệu quả của các chính sách này đã giảm dần khi biến thể Delta lây lan vào mùa Thu năm nay.

Liên quan đến dự luật mang tên "Build Back Better Plan" (Kế hoạch Xây dựng lại Tốt hơn) hiện đang được tranh luận tại Quốc hội, dự luật này cung cấp tài chính cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng công cộng và các chương trình xã hội khác nhau. Về dài hạn, gói tài chính này được thiết kế để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, và được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục