Buông lỏng quản lý dự án bất động sản - Bài 4: Sai phạm chồng chất

20:11' - 16/11/2018
BNEWS Theo ghi nhận của Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh, trong 2 năm 2016 và 2017, hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê mặt bằng cung cấp dịch vụ về cơ bản là có hiệu quả không đáng kể.

Là công ty Nhà nước được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng do buông lỏng quản lý nên Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quản lý và đầu tư dự án bất động sản.

Kinh doanh nhà đất thua lỗ

Theo Kết luận số 33/KL-TTTP-P6 của Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh, Công ty IPC là doanh nghiệp Nhà nước do UBND Tp. Hồ Chí Minh sở hữu 100% vốn điều lệ, thành lập từ năm 1989, đến năm 2010 chính thức chuyển đổi theo mô hình “công ty mẹ, công ty con”. Năm 2015 Công ty IPC có vốn điều lệ 2.926 tỷ đồng.

Về quy mô cơ cấu, Công ty IPC có 9 công ty và 4 công ty liên kết. Năm 2016, doanh thu hoạt động tài chính gần 828 tỷ đồng; trong đó, doanh thu cho thuê mặt bằng và bán đất nền là 107 tỷ đồng. Còn doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 là 730 tỷ đồng; trong đó, doanh thu cho thuê mặt bằng và bán đất nền lỗ, chỉ đạt 59 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh, trong 2 năm 2016 và 2017, hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê mặt bằng cung cấp dịch vụ về cơ bản là có hiệu quả không đáng kể.

Thời gian qua, bên cạnh việc phát huy tốt nguồn lực đất đai, mang lại nhiều kết quả kinh tế lớn, thì việc buông lỏng quản lý các dự án bất động sản cũng đã khiến ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh bị thất thu, tạo dư luận không tốt. Ảnh minh họa: Trần Xuân Tình - TTXVN

Tính đến ngày 31/12/2017, các khoản nợ mà Công ty IPC phải thu gần 912 tỷ đồng; trong đó, có 2 khoản công nợ phát sinh do Công ty IPC chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất dự án nhà máy nước ngầm Long Hậu tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho Công ty cổ phần Long Hậu và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với dự án nhà lưu trú công nhân blok 1 tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh cho Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.

Tại dự án Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh do Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco làm chủ đầu tư, Công ty IPC góp vốn với tổng số tiền 492 tỷ đồng cho 3 hợp đồng góp vốn và đã thanh toán được 474 tỷ đồng. Sau đó, Công ty IPC chuyển nhượng các nền đất với tổng diện tích 2,5 ha đất và 1 chung cư R1. Khách hàng đã thanh toán đầy đủ số tiền chuyển nhượng nêu trên cho Công ty IPC.

Tuy nhiên sau đó, Công ty IPC và khách hàng có biên bản thoả thuận xác định số tiền đóng bổ sung cho các hợp đồng chuyển nhượng là 16 tỷ đồng. Còn hơn 8,5 ha đất đang lập thủ tục xin điều chỉnh từ chung cư sang đất nền và chuyển mục đích sử dụng từ tái định cư sang kinh doanh nhưng chưa được chấp thuận nên việc chuyển nhượng đang bị “ách” lại. Mặc dù đang thực hiện việc góp vốn để thực hiện dự án nói trên nhưng đến năm 2016, Công ty IPC kêu gọi hợp tác đầu tư với đối tác khác.

Theo Thanh tra Thành phố, bước đầu kiểm tra có dấu hiệu sai phạm, nhưng do thời hạn thanh tra kết thúc nên Thanh tra thành phố sẽ báo cáo đề xuất thành lập đoàn thanh tra để tiếp tục thanh tra, kiểm tra kết luận đối với vụ việc này.

Cùng với đó, Công ty IPC đã cho thuê lại một phần mặt bằng văn phòng IPC tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 với diện tích hơn 7.500 m2 với số tiền gần 150 tỷ đồng từ năm 2010 – 2017 nhưng chưa được sự đồng ý của UBND Tp. Hồ Chí Minh.

Ngoài sai phạm liên quan đến các dự án bất động sản dưới hình thức liên kết, hợp tác nói trên, Thanh tra Thành phố cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm khác của Công ty IPC trong việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại các công ty thành viên trong các thương vụ đấu giá bán vốn, cổ phần hoá tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Container trung tâm Sài Gòn, Công ty TNHH MTV phát triển Công nghiệp Sài Gòn…

Yếu năng lực vẫn làm dự án

Theo Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh, dự án nút giao đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Tp. Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 3.834 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được cấp từ ngân sách thành phố thông qua Công ty IPC tuy nhiên vì Công ty IPC hạch toán khoản tiền lãi vay vào chi phí đã làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận phải nộp cho ngân sách.

Thanh tra Thành phố khẳng định, chủ trương ngân sách không chi trả lãi vay thực hiện dự án nhưng thực tế đã phát sinh tiền lãi vay làm tổng chi phí thực tế lớn hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt là không đúng quy định.

Trong khi đó, Công ty IPC không có kinh nghiệm làm dự án giao thông có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Vì thế đến nay Công ty IPC chưa có biện pháp xử lý di dời các công trình ngầm phức tạp, chưa chọn được đơn vị thi công công trình chính, làm giảm tiến độ dự án. Thậm chí, việc UBND thành phố chủ trương cho Công ty IPC làm chủ đầu tư dự án nói trên bằng Thông báo số 334/TB-VP ngày 28/6/2016 là không phù hợp với Luật Xây dựng 2014.

Còn tại dự án Khu dân cư Hiệp Phước 1, Công ty IPC làm chủ đầu tư với quy mô 29,2 ha gồm 1.344 căn chung cư. Năm 2010, Công ty IPC phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Hiệp Phước 1 với tổng mức đầu tư hơn 211 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Công ty IPC.

Đến tháng 6/2017, UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư dự án khu dân cư Hiệp Phước 1 và các dự án khác của Công ty IPC với tổng mức đầu tư 4.286 tỷ đồng (quy mô 2.033 căn nhà tái định cư và nhà ở xã hội). Tuy nhiên đến nay dự án triển khai chậm, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, chưa có quyết định giao đất và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một dự án khác cũng do Công ty IPC tham gia không hiệu quả là dự án khu dân cư Long Hậu, Long An do Công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư. Trong dự án này, Công ty IPC được UBND tỉnh Long An chấp thuận để Công ty IPC làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay dưn án này vẫn chưa thực hiện xong.

Để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tháng 10/2006, Công ty IPC hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (Công ty Hồng Lĩnh); trong đó IPC ứng trước chi phí và chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư, được mua 259 nền để bố trí tái định cư, còn Công ty Hồng Lĩnh hoàn trả toàn bộ chi phí mà Công ty IPC ứng trước. Tổng cộng Công ty IPC đã chi hơn 130 tỷ đồng.

Thanh tra Thành phố khẳng định, việc hợp tác này trái quy định pháp luật, không xác định cụ thể giá trị, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia sản phẩm. Thực chất hợp tác nói trên là việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, gây thiệt hại cho Công ty IPC, dẫn tới việc Công ty IPC bị chiếm dụng tài sản, vốn đến nay chưa thu hồi đủ số tiền đầu tư.

Ngoài ra, do buông lỏng quản lý, Công ty IPC đã bị Công ty cổ phần Long Hậu chiếm dụng tiền, tài sản trong thời gian dài nhưng không xử lý. Đến tháng 8/2018 Công ty IPC mới nhận được tiền và nền đất tương đương gần 166,5 tỷ đồng từ Công ty Hồng Lĩnh và Công ty cổ phần Long Hậu./.

Bài cuối: Ngăn ngừa trục lợi

>>> Buông lỏng quản lý dự án bất động sản - Bài 3: Thoái vốn bán rẻ đất công

>>> Buông lỏng quản lý dự án bất động sản- Bài 2: Chiêu chuyển nhượng cổ phần ở dự án tháp SJC

>>> Buông lỏng quản lý dự án bất động sản - Bài 1: Biến đất tái định cư thành đất thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục