Cà Mau “oằn mình” chống chọi sạt lở nguy hiểm

18:57' - 19/08/2017
BNEWS Do ảnh hưởng của những trận bão vừa qua và gió mùa Tây - Nam hoạt động mạnh kết hợp triều cường thường xuyên dâng cao kèm theo sóng to đã làm cho bờ biển Tây của Cà Mau sạt lở nghiêm trọng.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của những trận bão vừa qua, đồng thời gió mùa Tây - Nam hoạt động mạnh kết hợp với triều cường thường xuyên dâng cao kèm theo sóng to đã làm cho bờ biển Tây, đoạn qua địa phận huyện U Minh bị sạt lở nghiêm trọng.

Trong đó, có nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn huyện U Minh có 4 đoạn đê biển bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 600m. Hầu hết các đoạn sạt lở này chỉ còn khoảng từ 2 - 4m là đến chân đê.

Ngoài ra, tuyến đê khu vực huyện Trần Văn Thời cũng xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, đoạn từ Đá Bạc đến Kinh Mới, thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây Bắc và ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải, chiều dài sạt lở khoảng trên 870m. Đoạn này hầu như không còn đai rừng phòng hộ bảo vệ, sóng biển đánh trực tiếp vào chân đê.

Bên cạnh đó, tuyến đê đoạn bờ Bắc thị trấn Sông Đốc hiện cũng có khoảng 250m bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, có 2 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 70m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 8 hộ dân. Mới đây trên đê biển Tây, đoạn đấu nối vào cống Hương Mai cũng đã xảy ra sự cố sụt lún, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân xảy ra sự cố là do nền đất yếu, kết hợp mưa liên tục nhiều ngày, lượng mưa lớn, gây ngập úng cho khu vực. Khi tháo nước chống úng, có thể làm giảm áp lực lên mái đê phía đồng gây trượt hoặc do bên dưới nền đê có cát túi bùn, tải trọng thân đê lớn gây trượt sâu nền, mái và chân đê.

Tại các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở đất ven sông cũng đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn của huyện Đầm Dơi đã xảy ra 39 vụ thiên tai, trong đó, có đến 30 vụ sạt lở đất ven sông với chiều dài hơn 750m. Tổng thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng.

Còn theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ngọc Hiển, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn, thiên tai đã làm sập 5 căn nhà, tốc mái 25 căn của 30 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 1,18 tỷ đồng.

Riêng địa bàn huyện Năm Căn cũng xảy ra 9 vụ sạt lở đất với chiều dài trên 400m, làm thiệt hại 16 căn nhà dân, 30m đường giao thông bị hư hỏng, trên 200 ha đất nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng, thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng. Các xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang và thị trấn Năm Căn.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, hiện có những điểm sạt lở rất nguy hiểm chưa thể triển khai kè để bảo vệ do khó khăn về vốn. Trước mắt, tại các đoạn xung yếu, lực lượng ngành phải túc trực 24/24 giờ và khẩn trương khắc phục tạm thời, bằng mọi cách không để xảy ra vỡ đê.

Trước diễn biến sạt lở phức tạp của tuyến đê biển Tây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đã chỉ đạo các huyện phải kết hợp với các sở, ngành liên quan nắm sát tình hình sạt lở trên toàn tuyến.

Hiện đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng, nếu không làm khẩn trương kè chắn sóng thì nhiều nơi sẽ bị sạt lở đến chân đê trong thời gian ngắn. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình cũng yêu cầu phải di dời ngay số hộ dân đang sống trong rừng phòng hộ ngoài đê, tuyệt đối không để dân sinh sống ở khu vực này.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm Cà Mau có trên 80% đường bờ biển bị sạt lở và mất khoảng trên 300 ha diện tích rừng phòng hộ.

Nếu tính từ năm 1999 đến nay, Cà Mau mất trên 5.000 ha đất ven biển do sạt lở gây ra, gần bằng diện tích một xã lớn của tỉnh. Riêng trong năm 2016, do ảnh hưởng của 8 cơn bão và mưa lớn kéo dài, biển động mạnh đã khiến hơn 57km tuyến ven biển sạt lở ở mức nguy hiểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục