Cả nước có trên 4.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại

18:01' - 26/04/2023
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm.

 

Từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024 ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại; trong đó khoảng 2.239 ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785 ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của người nuôi tôm, công tác phòng chống dịch và báo cáo dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là số liệu về thiệt hại, dịch bệnh chưa sát với thực tế, có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch động vật thủy sản, thống kê, báo cáo dịch bệnh thủy sản.

Cụ thể, giao cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên ngành thủy sản và khuyến nông chủ động nắm bắt tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm đối với các trường hợp tôm nuôi bị chết nhiều, chết bất thường nghi do dịch bệnh để xác định rõ nguyên nhân.

Đồng thời, tổ chức đánh giá thực trạng, nguyên nhân cụ thể gây thiệt hại, nhận định tình hình, hiệu quả của các biện pháp đã thực hiện ... làm căn cứ đề xuất, hướng dẫn giải pháp xử lý phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, hạn chế nguy cơ phát tán tác nhân gây bệnh (nếu có) ra vùng nuôi.

Các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc môi trường, giám sát chủ động dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn cụ thể cho người nuôi về mùa vụ thả nuôi, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp, sử dụng con giống thủy sản, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng và chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Các địa phương, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục