Các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống thích nghi với quy định phòng dịch COVID-19

12:22' - 27/05/2021
BNEWS Những ngày qua các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch COVID-19, nhưng vẫn có một số nơi còn vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Thực hiện quyết định tạm ngừng bán hàng tại chỗ các quán ăn nhỏ lẻ lề đường, chỉ cho phép mang về của UBND Tp. Hồ Chí Minh, những ngày qua các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc, thích nghi với quy định phòng dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn còn một số nơi còn vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Thông qua hoạt động kiểm tra tại một số hàng, quán kinh doanh trên địa Tp. Hồ Chí Minh của các ngành chức năng trong những ngày gần đây cho thấy, vẫn còn một số đơn vị kinh doanh có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng, lúc kiểm tra thì xếp bàn ghế gọn gàng và có khoảng cách nhưng khi lực lượng này rời đi thì tình hình kinh doanh lại không được thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Điển hình, vừa qua Tổ công tác UBND phường 25, quận Bình Thạnh đã lập biên bản xử phạt hàng chục triệu đồng đối với hàng, quán kinh doanh nhận số lượng đông khách vào ăn, uống dù đã được nhắc nhở; trong đó, tại quán cà phê Ghế Đẩu, đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, vào thời điểm kiểm tra có 26 khách, hầu hết đều không đeo khẩu trang.

Còn tại quán cà phê Đà Lạt Phố, đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, vào thời điểm kiểm tra có hàng chục người không đeo khẩu trang đang gặp gỡ và uống cà phê. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt chủ hệ thống này vì vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết đơn vị kinh doanh đều chấp hành việc ngừng bán cho khách tại chỗ sau khi lực lượng chức năng nhắc nhở. Hơn thế nữa, những người dân buôn bán vỉa hè bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có hoàn cảnh khó khăn, phường sẽ xem xét hỗ trợ từ kinh phí giảm nghèo của địa phương.

Tương tự, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng cũng không ngừng ra quân kiểm tra, giám sát, khuyến khích đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố và Bộ Y tế. Để hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của người dân, lực lượng chức năng triển khai giải pháp linh hoạt như nhắc nhở, lập biên bản hành chính, xử phạt...

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nhã Linh, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì nhận thức của người dân rất quan trọng, từ đó mới nâng cao được ý thức chung tay phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Vì vậy, việc tuyên truyền cần được thực hiện ngay trong gia đình, người thân, bạn bè... tiếp đến là hàng xóm, cộng đồng khu dân cư; đồng thời, mỗi người dân cần trở thành một "chiến sĩ" phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương nơi mình sinh sống.

Theo chị Nhã Linh, trong đời sống hàng ngày, người dân nào cũng có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu, nên việc mua sắm và lựa chọn điểm kinh doanh tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 là hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Hiện nay, người dân có thể lựa chọn đa dạng kênh mua sắm như: mua sắm online, đặt hàng qua điện thoại, gom đơn hàng đi chợ hoặc siêu thị một lần trong tuần... để góp phần hạn chế tụ tập đông người tại điểm kinh doanh nói riêng và nơi công cộng nói riêng.

Ghi nhận thực tế, trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều "điểm nóng" và khu vực bị phong tỏa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm cho ngành thương mại, dịch vụ của thành phố bị ảnh hưởng. Đặc biệt, mạng lưới chợ truyền thống; bán buôn nhỏ lẻ và vừa tại khu dân cư; hàng, quán kinh doanh ăn, uống... trên địa bàn thành phố đang bị tác động trực tiếp, dẫn đến xu hướng một số đơn vị không duy trì được hoạt động kinh doanh.

Ông Mạnh Hùng, chủ quán ăn tại chợ Xóm Chiểu, quận 4, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, khi có quy định phong tỏa một phần chợ thì hoạt động kinh doanh của tiểu thương ở đây rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu vì người dân sợ lây lan dịch bệnh. Đến khi quy định phong tỏa được dở bỏ thì hoạt động kinh doanh vẫn chưa trở lại bình thường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có xu hướng bùng phát nhiều quận, huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nên người dân hạn chế đến nơi đông người.

Đồng quan điểm, bà Thanh Lan, chủ quán cà phê trên đường Phạm Văn đồng, Thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, dù theo quy định hàng quán kinh doanh vẫn được kinh doanh và thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế, nhưng quán chủ động treo biển "chỉ bán mang đi". Bởi không tụ tập đông người, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người kinh doanh lẫn khách hàng.

"Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà doanh thu quán sụt giảm đáng kể trong chỉ sau khoảng một tuần thực hiện quy định của Tp. Hồ Chí Minh. Hiện tại, đơn vị kinh doanh vẫn phải duy trì hoạt động bán buôn, để có chi phí chi trả tiền thuê mặt bằng và lương cho người lao động", bà Thanh Lan chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên, đại diện những đơn vị kinh doanh khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mặc dù, số lượng khách hàng giảm, nhưng họ sẵn sàng đồng hành cùng Tp. Hồ Chí Minh trong phòng chống dịch COVID-19, vì đây là vấn đề sống còn của toàn dân và đất nước, chứ không riêng gì từng địa phương hay mỗi cá nhân. Đồng thời, họ kỳ vọng với sự chung sức đồng lòng của chính quyền cũng như người dân, Tp. Hồ Chí Minh sớm kiểm soát và ngăn chặn được dịch COVID-19 để đời sống của người dân được trở lại ổn định như thời điểm bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục