Các gói kích thích kinh tế liệu có hiệu quả trong ứng phó với suy thoái toàn cầu?

10:39' - 04/05/2020
BNEWS Nhiều nước trên thế giới đã tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế “khổng lồ” nhằm chặn đà suy giảm do tác động của dịch COVID-19. Vậy các gói kích thích kinh tế này liệu có mang lại hiệu quả?

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế “khổng lồ” nhằm chặn đà suy giảm. Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sỹ Lê Thị Thuỳ Vân, Trưởng Ban Quản lý khoa học & Hợp tác Quốc tế - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính về tính hiệu quả của các gói kích thích kinh tế này.

*Phóng viên:Thưa bà, nhiều tổ chức lớn trên thế giới đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Vậy bà nhìn nhận như thế nào về sức khoẻ của nền kinh tế thế giới hiện nay?

*Tiến sỹ Lê Thị Thuỳ Vân: Với những tác động của đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, tháng 3/2020 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

WB trong tháng 3/2020 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,5%. Viện Tài chính Quốc tế (báo cáo tháng 4/2020) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chỉ đạt 1% trong năm 2020. 

Thậm chí, IMF trong tháng 4/2020 đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống âm 3%, giảm 6,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. 

Trên thực tế, sức khỏe của nền kinh tế giới đã suy yếu trong quý I/2020 dưới tác động của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái dần hiện rõ qua 5 chỉ báo cơ bản: 

Thứ nhất, thị trường chứng khoán đã sụt giảm tới 20-30% trong quý 1/2020 trên khắp các thị trường ở Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật và một số nước châu Á. Mức sụt giảm này được coi là ngưỡng rơi vào suy thoái khi giới đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn khác do lo ngại chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp sẽ “đóng băng”, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ.

Thứ hai, hoạt động sản xuất bị đình trệ, chỉ số PMI – chỉ số tổng hợp kết quả hoạt động của ngành sản xuất - suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, thất nghiệp tăng.

Thứ ba, chỉ số niềm tin kinh doanh sụt giảm. Thứ tư, sức mua giảm mạnh, chỉ số niềm tin tiêu dùng sụt giảm, ngành du lịch thua lỗ nặng. 

Thứ năm, giá dầu thế giới sụt giảm mạnh do sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ dầu. Trong quý I/2020, giá dầu WTI và Brent giao ngay bình quân giảm tương ứng 19% và 20% cùng kỳ năm trước.

Dấu hiệu suy thoái ở các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ, Trung Quốc, Nhật, châu Âu) cũng rõ rệt hơn với sự sụt giảm mạnh các chỉ số trên các phương diện sản xuất, dịch vụ, bán lẻ, tiêu dùng và thị trường chứng khoán trong quý 1/2020.  

Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones, chỉ số S&P 500 giảm mạnh trong nửa cuối tháng 3 với mức giảm trên 30% so với đầu năm 2020. Nếu xem xét lại trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ, trong 13 lần khi thị trường này rơi vào vùng “gấu/bear” (giảm điểm trên 20%) thì chỉ có 2 lần kinh tế nước này không bị suy thoái (năm 1966 và 1987). Khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ còn 0,4% trong năm 2020 (dự báo của ADB tháng 4/2020) hoặc có thể tăng trưởng ở mức âm 5,9% (dự báo của IMF tháng 4/2020).

Nền kinh tế Trung Quốc thậm chí đã tăng trưởng âm 6,8% trong quý I/2020. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 được dự báo chỉ đạt 1,2% (Báo cáo IMF tháng 4/2020) hoặc 2,3% (Báo cáo ADB tháng 4/2020), mức thấp nhất trong vòng 30 năm.

Trong khi đó, Nhật Bản đối mặt với suy giảm kinh tế nặng nề trong năm 2020, dự báo ở mức âm 1,5% (Báo cáo ADB tháng 4/2020), thậm chí âm 5,2% (Báo cáo IMF tháng 4/2020). Khu vực đồng euro sụt giảm tăng trưởng kinh tế xuống âm 1% (Báo cáo ADB tháng 4/2020) hoặc thậm chí âm 7,2% (Báo cáo IMF tháng 4/2020).

Nhìn chung, các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần hiện hữu và có thể sẽ càng rõ nét hơn trong quý II/2020 trên các lĩnh vực, các hoạt động kinh tế.

*Phóng viên: Thưa bà, Mỹ đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử với trên 2000 tỷ USD. Đây cũng là động thái mà nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đang thực hiện để bảo vệ nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID. Vậy theo bà, các gói hỗ trợ kinh tế như vậy sẽ phát huy hiệu quả như thế nào khi đại dịch vẫn chưa thể khống chế trên toàn cầu? 

*Tiến sỹ Lê Thị Thuỳ Vân: Theo tôi, các gói cứu trợ trên đều thiết thực và sẽ phát huy tác dụng tích cực bởi đều hướng đến mục tiêu tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Các gói cứu trợ đều nhằm 5 trọng tâm:

Thứ nhất, tăng chi ngân sách cho việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế và cho sản xuất thiết bị y tế.

Thứ hai, đảm bảo an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi trợ cấp cho người lao động, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Thứ ba, cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, kích cầu, khuyến khích sản xuất, nhằm vực lại niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Thứ năm, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, nếu đại dịch vẫn chưa thể khống chế trên toàn cầu, thì các gói cứu trợ này không thể đạt hiệu quả như mong muốn bởi 2 lý do: 

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 là khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ, gây nên sự suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu. 

Thứ hai, ngay cả khi đại dịch kết thúc ở một quốc gia, thì vẫn cần một thời gian dài để tái phục hồi; và sự phục hồi của nền kinh tế này sẽ có tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế khác, đặc biệt nghiêm trọng hơn đối với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu quy mô và mức độ phối hợp cũng phải ở cấp độ toàn cầu

Phóng viên: Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một loạt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đồng loạt cắt giảm lãi suất xuống biên độ rất thấp từ 0-0,25% nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Vậy theo bà chính sách lãi suất thấp như hiện nay có phải là công cụ hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế khi cả tổng cung và tổng cầu đều sụt giảm như hiện nay?

*Tiến sỹ Lê Thị Thuỳ Vân: Bên cạnh các gói kích thích kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ là biện pháp song hành được các nước sử dụng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, tăng cung tiền cho nền kinh tế để ứng phó khủng hoảng. Trong quý I/2020, trên thế giới đã có 61 ngân hàng trung ương thực hiện cắt giảm lãi suất với 98 lượt cắt giảm đế hỗ trợ tăng trưởng. 

Trong đó, tại các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật, Khu vực đồng Euro), lãi suất hiện đều ở mức thấp. Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đồng loạt thực hiện cắt giảm lãi suất xuống biên độ thấp 0-0,25% nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Trên thực tế, giảm lãi suất là biện pháp truyền thống có tính chất giải cứu khẩn cấp và hữu hiệu trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cung và tổng cầu hiện đều sụt giảm, chính sách lãi suất thấp sẽ không phát huy được tác dụng bởi 3 lý do:

Thứ nhất, chừng nào lệnh phong tỏa vẫn còn, người lao động vẫn phải ở nhà, sản xuất sẽ tiếp tục bị đình đốn, thất nghiệp tiếp tục tăng, thì lãi suất thấp cũng sẽ không có ý nghĩa.

Thứ hai, vấn đề của thị trường hiện nay không phải là thanh khoản, mà nằm ở phía cầu. Vùng đệm từ phía chính sách tiền tệ không còn cũng sẽ ảnh hưởng đến sức chống chịu của kinh tế toàn cầu khi đại dịch COVID diễn biến xấu hơn và suy thoái nặng nề hơn.

Thứ ba, việc giảm lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục cũng có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu khác bởi xét về dài hạn, môi trường lãi suất thấp có thể tạo ra bong bóng kinh tế sau này, khi các khoản đầu tư được đổ vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Đây chính là bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

*Phóng viên: Từ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo bà chính sách ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế năm 2020 cần có những lưu ý gì? 

*Tiến sỹ Lê Thị Thuỳ Vân: Mặc dù cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 có nguồn gốc khác với năm 2008 nhưng lại đang đi theo một chu kỳ tương tự: làm sụp đổ niềm tin của người tiêu dùng và thị trường chứng khoán, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu, tăng trưởng, việc làm và thu nhập.

Kinh nghiệm từ xử lý khủng hoảng năm 2008 cho thấy một số giải pháp ứng phó đã phát huy tác dụng như: cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, kích cầu nền kinh tế…Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, theo tôi, chính sách ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế năm  2020 cần lưu ý 4 vấn đề:

Thứ nhất,  tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế, ưu tiên kiểm soát dịch COVID, nghiên cứu vaccine và sản xuất các thiết bị y tế, nâng cao năng lực chăm sóc y tế.

Thứ hai, chính sách tài khóa cần tập trung trợ cấp y tế và trợ cấp xã hội, trong đó ưu tiên các đối tượng bị tổn thương. Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho hộ gia đình thu nhập sụt giảm do dịch bệnh.

Thứ ba, chính sách tiền tệ cần theo hướng giúp các hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ hơn để vượt qua khó khăn và bình ổn tiêu dùng, đồng thời nới lỏng cơ hội tiếp cận thanh khoản cho doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Thứ tư, ứng phó với suy thoái lần này đòi hỏi sự phối hợp không chỉ ở cấp quốc gia, cấp khu vực mà trên quy mô toàn cầu với sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế lớn (IMF, WB, UN, WHO), các thể chế đa phương (WTO).

Theo đó, ưu tiên hàng đầu đó là kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; tiếp đến giúp các chính phủ tập trung hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương. Và cuối cùng, việc bãi bỏ những rào cản thương mại cũng như sớm thiết lập lại các chuỗi cung ứng toàn cầu là rất quan trọng./.

Xin cảm ơn Tiến sỹ!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục