Các nền kinh tế châu Âu có thể sẽ đón một mùa Giáng sinh "trầm lắng"​

05:30' - 20/11/2020
BNEWS Chính phủ nhiều nước đã áp đặt lại các lệnh phong tỏa từ tháng 11/2020 đến đầu tháng 12/2020 với hy vọng họ có thể mở nền kinh tế trở lại trước khi bước vào mùa lễ hội cuối năm.

Giữa bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không ngừng gia tăng, trên khắp châu Âu, chính phủ nhiều nước đã áp đặt lại các lệnh phong tỏa từ tháng 11/2020 đến đầu tháng 12/2020 với hy vọng họ có thể mở nền kinh tế trở lại trước khi bước vào mùa lễ hội cuối năm.

Mặc dù các số liệu thống kê đã chứng minh rằng, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ có xu hướng tăng trưởng ròng từ mỗi mùa Giáng sinh, các chuyên gia phân tích vẫn chưa khẳng định được liệu nó có thực sự giúp cải thiện nhiều nền kinh tế nói chung hay không.

Năm nay, câu hỏi này càng trở nên cấp bách hơn vì nguy cơ mở cửa trở lại sớm có thể gây ra làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Một cuộc khảo sát trong năm 2019 của công ty kiểm toán Deloitte cho thấy, năm nước châu Âu có mức chi tiêu mạnh nhất vào Giáng sinh là Vương quốc Anh (639 euro/người), Tây Ban Nha (554 euro/người), Italy (549 euro/người), Đức (488 euro/người). và Bồ Đào Nha (387 euro/người).

Sức chi tiêu đó mang lại một cú hích đáng kể cho lĩnh vực bán lẻ ở các quốc gia này. Ví dụ tại Anh, doanh thu bán lẻ trong tháng 12 chiếm khoảng 12% tổng doanh thu của ngành bán lẻ nước này trong cả năm.

Ngay cả khi chi tiêu giảm trong tháng Một, khi người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", các nhà kinh tế cho rằng tác động kinh tế từ mùa mua sắm dịp lễ cuối năm luôn luôn tích cực.

Trong khi đó, việc áp dụng trên khắp châu Âu những đợt kích thích mua sắm thường niên như sự kiện khuyến mại “Thứ Sáu Đen” (Black Friday) vào cuối tháng 11 đã làm cho hoạt động kinh doanh dịp Giáng sinh trở nên ít quan trọng hơn. Và sự phát triển của thương mại điện tử khiến cho một số cửa hàng không cần thiết phải mở cửa.

Do đó, Hiệp hội bán lẻ Đức HDE dự báo rằng doanh số bán hàng trong tháng 11 và tháng 12 của nước này trong năm nay tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ doanh số bán hàng trực tuyến, thực phẩm, đồ nội thất và phần cứng, mặc dù doanh số từ các nhà bán lẻ truyền thống các mặt hàng quần áo, nước hoa và đồ chơi trẻ em sẽ bị sụt giảm.

Các nhà phân tích nhận định rằng, ngay cả khi người tiêu dùng hạn chế mua sắm trước Giáng sinh, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế  "lao dốc".

Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho rằng các mô hình tiêu dùng cũng đang thay đổi. Ví dụ, thay vì mua thực phẩm đồ uống trong bữa tiệc Giáng sinh, người tiêu dùng chuyển sang mua đồ nội thất mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục