Các ngân hàng Nhật Bản gặp khó trong việc xóa bỏ lãi suất Libor

08:34' - 13/07/2021
BNEWS Các ngân hàng lớn ở Nhật Bản đang tăng tốc chuẩn bị để xóa bỏ lãi suất Libor bằng đồng yen, vốn đang được sử dụng làm lãi suất chuẩn để xác định lãi suất cho các khoản vay.

Trong thời gian dài, Libor (lãi suất cho vay liên ngân hàng London) đã được sử dụng làm lãi suất chuẩn cho một số lượng lớn các hợp đồng tài chính trên khắp thế giới.

Khi các tổ chức tài chính cho vay, họ xác định lãi suất bằng cách nhân Libor với tỷ lệ phần trăm được xác định trên cơ sở mức độ tín nhiệm của công ty đi vay.

Tuy nhiên, sau vụ bê bối thao túng lãi suất này bị phanh phui, Nhật Bản đã quyết định xóa bỏ lãi suất Libor và việc công bố lãi suất Libor bằng đồng yen sẽ chấm dứt vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo hãng tin Jiji Press, do tổng số dư của các khoản cho vay của các ngân hàng được chốt theo lãi suất Libor bằng đồng yen, bao gồm cả các sản phẩm phái sinh, lên tới hơn 2 triệu tỷ yen nên khối lượng công việc mà các ngân hàng đang phải đối mặt để chuyển sang các lãi suất tham chiếu khác là rất lớn.

Trong trường hợp các thủ tục chuyển đổi sang các lãi suất tham chiếu khác không hoàn thành vào cuối năm, các ngân hàng không thể xác định số tiền trả lãi đối với các khoản vay mà lãi suất được tính dựa trên lãi suất Libor và việc thanh toán lãi của các công ty đi vay có thể bị chậm trễ.

Nhiều người lo ngại nếu quá trình chuyển đổi không thể kết thúc trong năm nay, thị trường tài chính có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Jiji Press dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Masayoshi Amamiya cảnh báo việc chậm chuyển đổi từ Libor sang các lãi suất tham chiếu khác "có thể gây ra rối loạn không chỉ cho các giao dịch liên quan mà còn cho toàn thị trường", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi sang lãi suất tham chiếu thay thế vào cuối năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục