Các ngành công nghiệp hối thúc chính phủ Anh hỗ trợ giá khí đốt

13:33' - 12/10/2021
BNEWS Các ngành công nghiệp thép, hóa chất và thủy tinh vốn đòi hỏi nhiều năng lượng đã thúc giục chính phủ Anh hỗ trợ giá khí đốt bán buôn, được cho là nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất lên cao.

Các ngành công nghiệp thép, hóa chất và thủy tinh vốn đòi hỏi nhiều năng lượng của Vương quốc Anh ngày 11/10 đã thúc giục chính phủ nước này can thiệp vào việc hỗ trợ giá khí đốt bán buôn, được cho là nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất lên cao.

Tổng Giám đốc công ty thương mại thép UK Steel, Gareth Stace  nói: "Chúng tôi sử dụng một lượng năng lượng lớn, vì vậy chi phí năng lượng tăng cao có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong ngành thép”.

Ông cho biết, các nhà máy sản xuất thép của UK Steel hiện đang buộc phải tạm dừng sản xuất và có thể bị buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian dài hơn.

Ông nhấn mạnh, mặc dù ngành thép trên toàn cầu đang diễn biến tích cực, song bất kỳ khoản lợi nhuận nào thu được có thể hoàn toàn bị xóa sổ với mức giá năng lượng cao “cắt cổ” này.

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng cho biết, ông đang làm việc với các ngành công nghiệp chủ chốt để xác định các biện pháp cứu trợ và tổ chức các cuộc họp với đại diện doanh nghiệp vào cuối tuần này. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngành công nghiệp này ngày 11/10 đã thúc giục Chính phủ hành động nhanh hơn.

Giám đốc điều hành của công ty thủy tinh British Glass, Dave Dalton đánh giá thấp cuộc gặp ngày 15/10 tới với Bộ trưởng Kwarteng, cho rằng đó "rất là mang tính hình thức".

UK Steel cho biết, nếu Chính phủ Anh có thể cung cấp cho các ngành công nghiệp một lượng năng lượng nhất định với mức giá cạnh tranh trong ngắn hạn, họ mới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Một khả năng khác là giảm các khoản thuế bắt buộc , vốn là “gánh nặng” đối với các doanh nghiệp  Anh.

Vào cuối tháng 9/2021, cuộc khủng hoảng khí đốt đã khiến nhà sản xuất phân bón CF Industries- nguồn cung cấp Carbon dioxide (CO2) lớn nhất của Anh- phải đóng cửa hai chi nhánh sản xuất.

Điều này khiến nguồn cung cấp thực phẩm gặp rủi ro vì khí CO2  được sử dụng để làm choáng động vật trước khi giết mổ, phục vụ việc đóng gói chân không các sản phẩm thực phẩm để kéo dài thời hạn sử dụng, tạo bọt cho bia, rượu và nước giải khát trong khi khí CO2 đông lạnh hay còn gọi là đá khô giúp cho thực phẩm được giữ ở điều kiện lạnh lý tưởng suốt quá trình vận chuyển…

Chính phủ Anh đã đồng ý chi hàng triệu bảng Anh để khởi động lại hoạt động sản xuất của hai chi nhánh này và cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận để đảm bảo nguồn cung cấp CO2 cho các doanh nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực thực phẩm.

Ngoài ra, giá khí đốt bán buôn tăng cao cũng đang làm gia tăng lo ngại về giá dầu sưởi ấm cho người tiêu dùng Anh trong những tháng mùa Đông sắp tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục