Các nhà tài trợ cam kết trợ giúp 860 triệu USD cho người di cư năm 2018

09:16' - 06/12/2017
BNEWS Liên hiệp quốc (LHQ) đã nhận được cam kết từ các nhà tài trợ với khoản ngân sách 857 triệu USD nhằm giúp đỡ 67 triệu người tị nạn và người không có quốc tịch trên toàn thế giới vào năm 2018.

Đây là số tiền cao nhất mà các nhà tài trợ từng cam kết với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).

Các nhà tài trợ cam kết trợ giúp 860 triệu USD cho người di cư năm 2018. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, UNHCR cho biết nó chỉ đáp ứng được 11% trong tổng số tiền 7,5 tỷ USD theo ước tính của cơ quan này về nhu cầu cần có để đáp ứng những thách thức trong năm tới. Số tiền này cho phép cung cấp những hỗ trợ sống còn đối với người tị nạn đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, nhất là tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi những cuộc xung đột tàn khốc như Syria, Yemen hoặc Nam Sudan.

Tuy nhiên, UNHCR cũng cho biết khoản ngân sách được cam kết cho năm 2018 này đã cao hơn gần 160 triệu USD so với con số ghi nhận năm ngoái là hơn 700 triệu USD.

Theo người đứng đầu UNHCR, Filippo Grandi cho biết cơ quan này hầu như được tài trợ bởi các khoản đóng góp tự nguyện từ các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp, các quỹ và từ các cá nhân.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Lybia được LHQ hậu thuẫn, Ahmad M’etig ngày 5/12 đã kêu gọi thành lập một trung tâm quốc tế có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến người nhập cư bất hợp pháp tại Libya và Bắc Phi.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, lời kêu gọi này được đưa ra tại hội nghị về di dân bất hợp pháp được Hội đồng quốc gia Libya về phát triển kinh tế - xã hội tổ chức tại thủ đô Tripoli.

Ông M’etig nhấn mạnh sự cần thiết về thành lập một trung tâm chuyên ngành tại Libya và Bắc Phi để giải quyết các vấn đề liên quan đến người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời đưa ra những giải pháp để đối phó hiệu quả với hiện tượng này.

Sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya đã trở thành địa điểm trung chuyển ưa thích để người di cư châu Phi tìm cách vượt qua Địa Trung Hải để xâm nhập trái phép vào các nước châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng người nhập cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Cũng liên quan đến người di cư, Liên minh Châu Phi (AU) và các quốc gia thành viên sẽ hồi hương hơn 15.000 người di cư bị mắc kẹt tại Libya vào cuối năm nay, trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại về thực trạng người di cư bị buôn bán như nô lệ tại quốc gia Bắc Phi này.

Phó Chủ tịch AU, ông Kwesi Quartey ngày 5/12 tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng hoạt động hồi hương những người tị nạn tình nguyện khỏi Libya sẽ được thực hiện với sự hợp tác của Tổ chức Di cư quốc tế.

AU sẽ giúp cung cấp các giấy tờ đi lại khẩn cấp cũng như tạo điều kiện cho việc hồi hương, tuy nhiên không nói rõ những đối tượng người di cư thuộc quốc gia nào sẽ được đưa về nước.

Tuần trước, tại Hội nghị thượng đỉnh AU-Liên minh châu Âu (EU) các nhà lãnh đạo đã đưa ra một kế hoạch sơ tán khẩn cấp những người di cư, đồng ý vận chuyển bằng đường không ít nhất 3.800 người bị mắc kẹt tại một trong 40 trung tâm giam giữ người di cư ở Libya.

Theo quan chức ngoại giao Gambia Ebrima Jobe, Maroc, Pháp và Đức sẽ cung cấp các máy bay vận tải để tiến hành hoạt động sơ tán này.

Theo Chủ tịch Ủy ban AU, Moussa Faki Mahamat, có khoảng từ 400.000 - 700.000 người di dân châu Phi đang ở trong hàng chục trại giam giữ người di cư trên khắp Libya, trong những điều kiện vô nhân đạo.

Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết có hơn 423.000 người di cư đã được xác minh có mặt tại đất nước Bắc Phi đang trong tình cảnh chiến tranh này, phần lớn trong số đó là công dân từ các nước nghèo thuộc vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi.

>>>Tây Ban Nha cứu hơn 260 người trong hành trình vượt biển đến châu Âu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục