Các nhà xuất khẩu Đức dự kiến doanh số bán hàng tiếp tục giảm

08:14' - 22/01/2025
BNEWS Kim ngạch xuất khẩu của Đức dự kiến sẽ giảm 2,7%, chưa tính tới khả năng xung đột thương mại với Mỹ dưới thời của Tổng thống mới Donald Trump.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các nhà bán buôn và xuất khẩu Đức đang vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho năm 2025. Phát biểu với báo giới ngày 21/1, ông Dirk Jandura, Chủ tịch Hiệp hội liên bang về bán buôn, ngoại thương và dịch vụ (BGA), nói: "Chúng ta đang ở trong đường hầm không có chút ánh sáng nào". Cuộc bầu cử liên bang vào cuối tháng Hai tới sẽ là cuộc bầu cử mang tính quyết định sau hai năm suy thoái.

 

BGA dự đoán hoạt động bán buôn sẽ trì trệ trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu của Đức dự kiến sẽ giảm 2,7%, chưa tính tới khả năng xung đột thương mại với Mỹ dưới thời của Tổng thống mới Donald Trump.

Ông Jandura nói: “Chúng ta không được hoảng sợ. Ông Trump thường dùng lời đe dọa để ép buộc đạt được thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ nhưng ông ấy là người thực tế”.

Theo ông Jandura, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách thương mại tại châu Âu, cần bình tĩnh đánh giá cách ông Trump đang hành động chống lại các nước láng giềng Mexico (Mê-hi-cô) và Canada (Ca-na-đa). Thuế quan đặc biệt có thể được áp dụng sớm nhất vào tháng 2/2025.

Tuy nhiên, ông Jandura cho biết thuế quan và thuế trả đũa không phải là giải pháp phù hợp đối với nền kinh tế Đức phụ thuộc vào xuất khẩu vì “chúng gây hại cho cả hai bên”. Thuế nhập khẩu cao cũng sẽ nhanh chóng làm mất đi sự thịnh vượng của Mỹ. Thay vào đó, Đức nên tăng cường quan hệ thương mại với các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như Nam Mỹ.

Trong tháng 12/2024, BGA đã khảo sát các công ty thành viên, phần lớn đều là công ty cỡ vừa. 36% số công ty cho biết đã đầu tư ít hơn trong năm qua. 30% đang có kế hoạch cắt giảm việc làm trong năm nay. Hai phần ba số nhà bán buôn cho biết doanh số bán hàng giảm trong sáu tháng qua và 40% dự kiến doanh số bán hàng sẽ tiếp tục giảm năm 2025. “Tôi chưa bao giờ thấy con số nào tệ hơn thế này”, ông Jandura nói. Trong thương mại quốc tế, khoảng 80% số công ty dự kiến khối lượng và doanh số sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Người đứng đầu BGA lên tiếng cảnh báo: “Nền tảng của kinh tế Đức đang sụp đổ. Các đơn đặt hàng đang giảm dần, các khoản đầu tư giảm, tình trạng phá sản đang gia tăng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mất niềm tin vào chính trị. Do đó, tình hình kinh tế khó khăn cần phải được quan tâm nhiều hơn trong chiến dịch tranh cử. Nếu các doanh nghiệp cỡ vừa phá sản, đất nước này sẽ không bao giờ phục hồi được”. Ông Jandura do đó kêu gọi giảm thuế và chi phí lao động.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tình trạng quan liêu quá mức chính là đòn giáng mạnh nhất. Theo Viện Ifo có trụ sở tại Munich (München), tình trạng quan liêu khiến các công ty thiệt hại 65 tỷ euro mỗi năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục