Các nhà xuất khẩu Trung Quốc quay về khai thác thị trường trong nước

16:36' - 24/05/2020
BNEWS Sau nhiều năm tập trung vào thị trường nước ngoài, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng hoạt động tại “sân nhà” khi hoạt động kinh doanh quốc tế của họ bị đình trệ vì COVID-19. 

Nền tảng thương mại trực tuyến Taobao của Trung Quốc cho biết số lượng các công ty chuyên về thương mại quốc tế mở cửa hàng trên nền tảng này đã tăng 160% trong giai đoạn từ tháng 2-5/2020.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc - những người đã nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ và chi tiêu của chính phủ để chuyển hướng sang phục vụ nhu cầu trong nước - đang chào đón sự thay đổi này.

Tại một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Chung Sơn cho biết doanh số bán hàng nội địa của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đã tăng 17% trong tháng Tư. Ông cũng lưu ý Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hướng tới khai thác thị trường trong nước.

Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Miêu Vu mới đây cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực "nhanh chóng kích hoạt” nhu cầu trong nước để bù đắp cho sự thiếu hụt từ các thị trường bên ngoài.

Khi phải đối mặt với số đơn đặt hàng mới suy yếu và tình trạng hủy bỏ những đơn hàng hiện có, một số công ty Trung Quốc đã chọn chuyển hướng sang thị trường trong nước.

Đối với nhà sản xuất đồ chơi Shantou Beilisi, công ty này đang cố gắng gia tăng doanh số bán trong nước thông qua việc thay đổi bao bì sản phẩm và làm việc với các nền tảng thương mại trực tuyến như JD.com.

Một quản lý của trang thương mại JD.com cho hay từ trước khi dịch bệnh xảy ra, một số nhà xuất khẩu đã cố gắng mở rộng thị phần tại thị trường nội địa, như một phần trong chiến lược đa dạng hóa kinh doanh nhằm tăng cường khả năng tự bảo vệ trước những rủi ro.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc đều có thể dễ dàng khai thác thị trường nội địa. Nhà sản xuất linh kiện kim loại Shanghai EverSkill M&E đang lo lắng vì họ nhận thấy nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm của họ không đủ lớn.

Bên cạnh đó, sự chuyển hướng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể không mang lại kết quả ngay lập tức vì nhu cầu trong nước vẫn khá yếu. Đây cũng là yếu tố then chốt khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm trong năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục