Các nước Arập đầu tư nhiều nhất vào Ai Cập

08:35' - 22/08/2022
BNEWS Các nước Arập đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Ai Cập, với khoản đầu tư trực tiếp ròng lên tới 6,35 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Ba của tài khóa 2021-2022.

Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) ngày 21/8 thông báo các nước Arập đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Ai Cập, với khoản đầu tư trực tiếp ròng lên tới 6,35 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Ba của tài khóa 2021-2022, tăng 172,88% so với cùng kỳ của tài khóa trước đó.

Trong bản tin thống kê hàng tháng, ngân hàng CBE cho hay đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng đã tăng lên 3,51 tỷ USD trong quý III của tài khóa 2021-2022, so với 1,91 tỷ USD trong quý II, tăng 83,8%.

Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Ai Cập, với mức đầu tư ròng là 2,67 tỷ USD trong quý III của tài khóa 2021-2022, so với 1,47 tỷ USD trong quý II, tăng 81,63%.

Theo Cơ quan thống kê và huy động công trung ương Ai Cập (CAPMAS), giá trị trao đổi thương mại giữa Ai Cập và UAE đã tăng 1,2 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022, so với 1,1 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021, tăng 1,4%.

Giá trị kiều hối của các công dân Ai Cập làm việc tại UAE cũng lên tới 3,5 tỷ USD trong tài khóa 2020-2021, so với 3,4 tỷ USD trong tài khóa trước đó, tăng 1,4%. Theo ước tính của chính quyền Ai Cập, khoảng 950.000 công dân của quốc gia Bắc Phi đang sinh sống và làm việc tại UAE đến cuối năm 2020.

Kuwait đứng thứ hai trong danh sách các nước Arập đầu tư nhiều nhất vào Ai Cập với các khoản đầu tư ròng trị giá 168 triệu USD trong quý III của tài khóa 2021-2022, so với 155 triệu USD trong quý II, tăng 8,39%.

Qatar đứng thứ ba với khoảng 140 triệu USD đầu tư trực tiếp ròng trong quý III của tài khóa 2021-2022, so với 109 triệu USD trong quý II, với tốc độ tăng 28,4%.

Tiếp theo là Bahrain, Saudi Arabia, Jordan với các khoản đầu tư ròng vào Ai Cập trong quý III của tài khóa 2021 -2022 lần lượt là 121 triệu USD, 108 triệu USD và 30 triệu USD.

Thời gian gần đây, Ai Cập đã nhận được các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính từ các nước vùng Vịnh, trong đó Saudi Arabia, UAE và Qatar cam kết huy động hơn 22 tỷ USD tiền gửi và đầu tư vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước "Kim tự tháp" do khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục