Các nước hành động mạnh mẽ ứng phó với dịch bệnh COVID-19

15:26' - 17/03/2020
BNEWS Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đã có những hành động cụ thể nhằm ứng phó với dịch bệnh ngày một lan rộng.

Việt Nam:

* Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Trụ sở Chính phủ, chiều 16/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, dịch COVID-19 được các chuyên gia đánh giá khốc liệt hơn và Việt Nam đang ở  “giai đoạn vàng” trong phòng chống, hạn chế lây nhiễm và tử vong.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc hạn chế tối đa tụ tập đông người, đặc biệt tại ở các tỉnh, thành phố nhằm hạn chế lây nhiễm; đồng thời thực hiện nghiêm cách ly tập trung, cách ly tại các cơ sở, cách ly tại gia đình theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020.

Từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không mắc COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.

Các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định.
* Trước những tác động bất lợi do dịch COVID-19, ngày 12/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Bộ tài chính cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

* Chiều tối ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước cho biết vừa quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành. Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp.

* Thông tin từ Bộ Y tế ngày 16/3 cho biết đã xác định được các chuyến bay sau có hành khách mắc COVID-19. Theo đó, các chuyến bay bao gồm:

SQ 176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Nội Bài ngày 15/3/2020.

VJ 826 của Vietjet Air từ Malaysia đến TP. Hồ Chí Minh ngày 4/3/2020.

TK 162 của Turkey Airlines từ Istanbul đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/3/2020.

QH 1521 của Bamboo Airways từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phú Quốc ngày 9/3/2020.

QH 1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/3/2020.

SU 290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 12/3/2020.

QR 970 của Qatar Airways từ Doha đến TP Hồ Chí Minh ngày 10/3/2020.

TG 564 của Thai Airways từ Bangkok về Nội Bài ngày 15/3 đã có các hành khách được xác định mắc COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay nói trên liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

* Tính đến 17/3, Việt Nam đã ghi nhận 61 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn.

45 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở  y tế có 27 bệnh nhân người Việt Nam, 18 bệnh nhân là người nước ngoài. Đa số bệnh nhân có tình trạng sức khoẻ ổn định, chức năng sống được kiểm soát.

Bệnh nhân N.V.T (ca mắc COVID-19 thứ 18) sức khoẻ đã ổn định, đủ điều kiện xuất viện trong vài ngày tới. Bệnh nhân N.V.T, quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, sinh viên trở về từ Daegu (Hàn Quốc) và được cách ly tập trung ngày 4/3. Đến ngày 7/3, bệnh nhân nhập viện điều trị, kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Quá trình điều trị, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiêm 4 lần, trong đó lần 1 và 2 dương tính; lần 3 (ngày 14/3) và lần 4 (16/3) cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Kết quả xét nghiệm của 2 bệnh nhân nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng là 1 lần âm tính, dự kiến sẽ lấy mẫu xét nghiệm thêm vào ngày hôm nay (17/3).

Căn cứ kết quả 2 lần xét nghiệm gần đây nhất, bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện theo quy định của Bộ Y tế. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục tự cách ly tại gia đình trong 14 ngày theo hướng dẫn.

Một bệnh nhân khác cũng có kết quả âm tính 1 lần là nữ bệnh nhân người Anh đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh).

Trong số 45 bệnh nhân này có 2 bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền phải thở máy và điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Thế giới:

- Italy: Rạng sáng 16/3, Italy thông báo thêm 349 ca tử vong do bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh. Italy ghi nhận tới 700 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong vòng hai ngày qua. Italy hiện là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục.

Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch COVID-19.

Sắc lệnh này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ cho các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.

Dịch COVID-19 đã khiến hơn 1.800 người thiệt mạng ở Italy và buộc Thủ tướng Italy Giuseppe Conte phải yêu cầu đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh... trong ít nhất hai tuần.

- Pháp: Tính đến tối 16/3, Pháp đã xác nhận 1.210 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24h qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối cùng ngày đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo đó mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.

Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương

- Tây Ban Nha: Số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha cũng đang tăng rất nhanh, lên 8.744 người so với con số 7.753 người một ngày trước đó, trong khi số người tử vong tăng lên 297 người so với 288 người hôm 15/3.

Theo Chính phủ Tây Ban Nha, chỉ trong vòng một ngày qua, tại nước này đã có gần 1.000 ca mới mắc COVID-19. Xứ Basque của Tây Ban Nha đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra ngày 5/4 do lo ngại dịch bệnh.

- Đức: Chính phủ liên bang và các bang đã quyết định đóng tất cả các trường học và nhà trẻ, các viện bảo tàng, quán bar, trung tâm hội chợ và giải trí... trên toàn nước Đức là nhằm hạn chế các "tiếp xúc xã hội", coi đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để khống chế sự lây lan của virus.

Mọi hành động cần có sự ủng hộ và thực thi thống nhất, đồng bộ trên cả nước để mang lại hiệu quả tối ưu, song Đức sẽ vẫn duy trì hoạt động của các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, trạm xăng, bưu điện... và các cơ sở bán buôn.

Ngoài ra, lệnh cấm cũng lập tức có hiệu lực đối với các chuyến tham quan bằng xe buýt, các cuộc hội họp ở các trường đại học, nhà thờ và các cơ sở giáo dục. Những hạn chế cũng áp dụng với các chuyến thăm người thân trong bệnh viện, nhà dưỡng lão.

 Bên cạnh đó, người Đức cũng bị cấm đi nghỉ phép trong nước hoặc ra nước ngoài. Các nhà hàng, khách sạn cũng bị hạn chế và phải đáp ứng các quy định về dịch tễ, trong đó các nhà hàng phải giữ khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 1,5 mét và được mở cửa sớm nhất từ 6 giờ sáng, đóng cửa muộn nhất vào 18 giờ.

Tính đến thời điểm này, trên cả nước Đức ghi nhận 6.612 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern 4 ca tử vong.

- Anh: Ngày 16/3, Chính phủ Anh đã đề xuất tăng cường các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nhằm hạn chế tình trạng bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm cách ly tại nhà, làm việc tại nhà và chấm dứt các hoạt động tụ họp đông người.

Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt quan trọng đối với nhóm người dễ tổn thương như người già trên 70 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền.

Ông cảnh báo dịch bệnh tại Anh đang "tiến tới đỉnh điểm" với tốc độ nhanh. Trong ít ngày tới, chính phủ sẽ công bố các biện pháp mạnh mẽ hơn.

- Mỹ: Ngày 16/3,Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận  3.487 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 68 ca tử vong. Hiện dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng trên 49 bang, Quận Columbia và các vùng lãnh thổ Mỹ là Puerto Rico, Guam, Virgin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục người dân Mỹ tạm ngừng hầu hết các hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và không tụ tập ở các nhóm hơn 10 người trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19  tại Mỹ.

Bang New Jersey ngày 16/3 đã ban bố lệnh giới nghiêm. Theo đó, New Jersey sẽ hạn chế hoạt động đi lại từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hàng ngày nhằm đối phó với tình trạng lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Bên cạnh đó, các quan chức y tế Mỹ ngày 16/3 cho hay, hoạt động thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để đánh giá tác dụng của một loại "ứng cử viên" vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu được tiến hành ở Seattle của Mỹ.

Sáng 17/3 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật giảm thiểu tác động kinh tế do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Dự luật bao gồm các điều khoản cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện để bỏ phiếu thông qua.

- Canada: Thủ tướng Justin Trudeau rạng sáng 17/3 (theo giờ VN) tuyên bố  nước này sẽ đóng cửa toàn bộ các đường biên giới với công dân nước ngoài. Theo ông Trudeau, sẽ có những ngoại lệ dành cho các phi công, nhà ngoại giao và công dân Mỹ, mặc dù ngoại lệ này có thể thay đổi. Canada hiện ghi nhận 375 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và một bệnh nhân đã tử vong.

Tuyên bố nói trên được Thủ tướng Trudeau đưa ra sau khi nhiều quốc gia châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Ailen, Nga đã áp dụng chính sách tương tự nhằm ngăn chặn làn sóng tấn công nguy hiểm của dịch COVID-19.

- Nga: Nga đã quyết định ngừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài từ ngày 18/3 đến 1/5. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã điện đàm với người đồng cấp các nước láng giềng để thông báo quyết định này.

Việc hạn chế công dân nước ngoài nhập cảnh vào Nga là để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ sức khỏe của công dân và ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan. Quyết định này tuân thủ luật pháp Nga và các điều ước quốc tế. Nga sẽ tăng cường cho công dân xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngay cả khi không có triệu chứng.

- Hungary: Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố Hungary sẽ đóng cửa biên giới đối với tất cả các loại phương tiện vận chuyển hành khách và chỉ có công dân Hungary mới được phép nhập cảnh.

Theo đó, từ 0h00 ngày 17/3 (giờ địa phương), Hungary cấm tất cả các sự kiện, hoạt động công cộng. Các quán rượu, rạp chiếu phim và các cơ sở văn hóa khác cũng sẽ bị đóng cửa. Các nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng chỉ được phép mở cửa đến 15h00. Sau 15h00, chỉ có các cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc và cửa hàng dược mỹ phẩm được phép mở cửa.

- Trung Quốc: Trong ngày 16/3, Trung Quốc thông báo sẽ rút dần các nhân viên y tế ra khỏi tỉnh Hồ Bắc (Hubei), nơi từng là tâm điểm bùng phát và lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong ngày 16/3, Trung Quốc đã ghi nhận 21 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cao hơn so với 16 trường hợp ghi nhận trong ngày 15/3. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận ở Trung Quốc đại lục tính đến nay là 80.881 người.

- Hàn Quốc: Hiện tất cả các bộ ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24 giờ để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Ngày 16/3, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo về đi lại ở mức vàng  – mức cao thứ ba trong thang cảnh báo gồm 4 mức – đối với 36 nước ở khu vực Tây và Trung châu Âu, theo đó kêu gọi công dân Hàn Quốc hạn chế đến những nước này do lo ngại lây nhiễm trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở châu Âu. Trong danh sách này có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), 16 nước khu vực Schengen, trong đó nhiều nước cũng là thành viên EU, ngoài ra còn có Andorra, Anh, Monaco, San Marino và Thành phố Vatican.

Trước đó, Hàn Quốc đã đưa ra mức cảnh báo tương tự đối với 5 vùng ở Italy.

- Malaysia: Tối 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18-31/3 để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quyết định này có nghĩa là tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán rau quả. Trong cùng thời gian, tất cả các cơ sở của chính quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh.

>>> Cập nhật diễn biến mới nhất về dịch COVID-19 tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục