Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh tăng trưởng khá

12:43' - 07/05/2021
BNEWS Sự chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền Tp. Hồ Chí Minh về công tác phòng chống COVID-19 đã góp phần đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền Tp. Hồ Chí Minh về công tác phòng chống COVID-19 đã góp phần đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng, doanh nghiệp có niềm tin để tiếp tục đầu tư, nắm bắt thị trường, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn.

Ở góc độ doanh nghiệp nước ngoài, ông Apirat Sugondhabhirom, Tổng lãnh sự Thái Lan tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 200 công ty Thái Lan đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; trong đó, có Tp. Hồ Chí Minh.

Thái Lan là đối tác kinh tế tin cậy của Tp. Hồ Chí Minh nên luôn tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư hai chiều; kết nối và tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong khu vực với thế giới.

Đồng quan điểm, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cũng khởi động năm 2021 với sự tích cực và niềm tin lạc quan về môi trường thương mại, đầu tư của Việt Nam.

Cụ thể, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham (Business Climate Index - BCI) trong quý I/2021 đạt 73,9 điểm phần trăm.

Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý III/2019, trước khi đại dịch COVID-19 tác động hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany đánh giá, kết quả khảo sát Chỉ số BCI cũng cho thấy sự lạc quan về môi trường kinh doanh tiếp tục được duy trì, tăng 47 điểm phần trăm trong 12 tháng qua.

Đồng thời, Chỉ số BCI lần này khẳng định Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế, trong khi nhiều quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch COVID-19.

"Việt Nam có thể khả năng đảm bảo cho doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu", Chủ tịch EuroCham Alain Cany chia sẻ thêm.

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, tính chung 4 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19.

Ông Bùi Tá Hoàng  Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, tính riêng tháng 4/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng 3,3% so với tháng 3 năm 2021; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 58,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo (2,8%); sản xuất và phân phối điện (25,6%); cung cấp nước và xử lý rác thải (1%).

Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, xét theo ngành công nghiệp cấp II, trong 4 tháng năm 2021 thành phố có 24/30 ngành đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các ngành có mức tăng cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); công nghệ chế biến, chế tạo khác; sản xuất thiết bị điện...

Còn đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2021 tăng 11,7% so với cùng kỳ năm truớc và tăng hơn 2,0 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp.

Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 27,7%; ngành cơ khí (17,5%); ngành lương thực thực phẩm và đồ uống (7,4%); ngành hóa dược (2,4%).

Riêng ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2021 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành như ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,2%; sản xuất trang phục (12,6%)...

Cùng chiều với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 4 tháng năm 2021 cũng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Điển hình, có thể kể một số ngành, gồm: sản xuất kim loại; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm gỗ, tre, nứa (trừ giường tủ, bàn, ghế); sản xuất xe có động cơ; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...

Đặc biệt, còn có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ năm trước như in, sao chép bản ghi các loại giảm 74,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (33,3%); sản xuất xe có động cơ (19,7%); sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác (11,8%)...

Ở lĩnh vực xuất khẩu, dịch COVID-19 vẫn tác động rất lớn đối với tất cả các nước trên thế giới, nhất là với một số quốc gia đã đóng cửa biên giới với Việt Nam. Mặc dù vậy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Tp. Hồ Chí Minh vẫn đạt được mức tăng trưởng dương.

Trong 4 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Tp. Hồ Chí Minh tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 13,9% và nhập khẩu tăng 27,7%.

Khu vực vốn đầu tư nước ngoài được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5% và nhập khẩu tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng năm 2021 đạt 3.525,2 triệu USD (tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 24,8% tỷ trọng xuất khẩu).

Tiếp theo, có thể kể đến những thị trường như Hoa Kỳ, HongKong (Trung Quốc), Nhật Bản, EU.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục