Tháng 4, sản xuất công nghiệp của cả nước tăng hơn 24%

16:54' - 30/04/2021
BNEWS Sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 của cả nước ước tính tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả nên hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 ước tính tăng cao 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 6,8%)..
Tổng cục Thống kê chỉ rõ, trong các ngành công nghiệp, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước; đó là: sản xuất kim loại tăng 37,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 32,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 17,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,1%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 15,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15%...
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 2%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 2,2%; khai thác than cứng và than non giảm 2,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,9%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: thép cán tăng 61,8%; ô tô tăng 52,5%; linh kiện điện thoại tăng 29,2%; điện thoại di động tăng 21,3%; ti vi các loại tăng 20,9%; xe máy tăng 20%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: dầu mỏ thô khai thác giảm 9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; bột ngọt giảm 6,8%; phân u rê giảm 6,3%...
Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, khẩn trương triển khai Quyết định 221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; trong đó, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, hình thành các nền tảng số về logistics nhằm cắt giảm chi phí; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, các ngành cần tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai, sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, rà soát các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần tăng cường "khơi dòng" tiêu thụ thông qua các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa; đồng thời, tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Hiện, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2021 tăng 1,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,8% so với cùng thời điểm năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục