Các tập đoàn dầu mỏ cần minh bạch về mục tiêu trung hòa carbon

05:30' - 08/11/2023
BNEWS Các tập đoàn dầu khí đang áp dụng một phương pháp riêng để tính lượng khí thải nhà kính và lựa chọn các chỉ số tiến bộ theo cách không đồng nhất, dẫn đến không minh bạch về mục tiêu trung hòa carbon.

 

Báo Le Monde nhận định, trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) đang đến gần, thế giới cần nhanh chóng thiết lập một khuôn khổ chung, trong đó các tập đoàn năng lượng phải minh bạch về mục tiêu khí hậu đã cam kết.

Hội nghị COP28 sẽ được tổ chức từ ngày 30/11-12/12 tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), một quốc gia dầu lửa vùng Vịnh Pecsic. Chủ tịch COP28 là Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE Sultan Ahmed Al-Jaber, người đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC).

Chắc chắn, tại hội nghị năm nay, ngành dầu khí sẽ tiếp tục được chú ý và các cam kết ủng hộ khí hậu của ngành này đang đặc biệt được mong đợi. Nhưng bất chấp sự gia tăng của năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt hiện vẫn cung cấp tới 53% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, trong khi than cung cấp 26%. Với quy mô sử dụng năng lượng tái tạo nhỏ như hiện nay, mục tiêu để đưa mức phát thải về 0 trong vòng 25 năm tới là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Ngày càng có nhiều công ty trong lĩnh vực dầu mỏ đã đưa ra cam kết hành động để ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Các tập đoàn lớn của phương Tây như Exxon, Chevron, TotalEnergies, BP, Shell và Eni đang đi đầu trong phong trào này. Họ đăng ký ủng hộ mục tiêu quốc tế là đảm bảo để sự nóng lên toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5 độ C và cam kết đạt mục tiêu “ZEN” (không phát thải ròng) vào năm 2050.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là cả sáu tập đoàn nói trên chỉ chiếm khoảng 15% sản lượng dầu khí toàn cầu và mỗi công ty trong số này vẫn giữ định nghĩa riêng về tính trung hòa carbon. Cụ thể, mỗi công ty đang áp dụng một phương pháp riêng để tính lượng khí thải nhà kính và lựa chọn các chỉ số tiến bộ theo cách không đồng nhất. Các cách tính này phức tạp và “rối rắm”, dẫn đến việc rất khó để phân định được giữa hiệu quả nhất và kém hiệu quả nhất, hoặc giữa khái niệm rửa xanh và cam kết thực sự. Thậm chí việc phân định ai là người ra quyết định chính trị, đâu là nhà đầu tư có trách nhiệm, đâu là nhà hoạt động cộng đồng, nhà nghiên cứu, nhà báo hay đơn giản là người tiêu dùng có liên quan cũng hết sức khó hiểu.

Đối với các tập đoàn lớn của Mỹ, khái niệm phạm vi lượng khí thải cần trung hòa chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất, từ khai thác đến lọc dầu. Như vậy, các tập đoàn này có thể thực hiện ZEN bằng cách ngăn chặn rò rỉ khí mê-tan ở đầu ra của giếng khoan dầu khí và bằng cách điện khí hóa các hoạt động công nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy trong một lít dầu hoặc một mét khối khí khai thác được, phần lớn lượng khí thải đến từ quá trình đốt cháy ở mức độ sử dụng cuối cùng, bao gồm quá trình đốt xăng ô tô, sưởi ấm gia đình và hoạt động công nghiệp...

Các tập đoàn châu Âu có cách tiếp cận mạch lạc hơn, vì họ đưa lượng khí thải liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm cuối cùng vào mục tiêu ZEN, từ đó thừa nhận trách nhiệm đối với những gì mà họ cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, khuất tất nằm trong chi tiết tính toán lượng carbon và những quy trình có thể được sử dụng để trốn tránh một phần trách nhiệm của họ.

 
Phạm vi mà các công ty này tính đến thường được giới hạn ở các đơn vị công nghiệp mà họ điều hành trực tiếp và không bao gồm các đơn vị mà họ sở hữu nhưng do bên thứ ba điều hành. Các công ty cũng coi nhựa làm từ dầu giống như cây cối, là các “bể chứa carbon”. Tuy nhiên, chính việc đốt rác thải nhựa sẽ trả lại lượng carbon được lưu trữ này vào khí quyển.

Một phương pháp khác cũng cho thấy sự bất cập, đó là việc chỉ tính doanh số bán hàng tương ứng với khối lượng được khai thác hoặc tinh chế, trong khi các nhà khai thác, thông qua các hoạt động giao dịch của mình, có thể thương mại hóa nhiều dầu hoặc khí đốt hơn so với những gì mà chính họ tự sản xuất ra. Các tập đoàn dầu mỏ khác nhau áp dụng các cách thức khác nhau trong chủ đề này, dẫn đến rất nhiều tranh cãi. Ví dụ, đây chính là tâm điểm xung đột giữa tổ chức khí hậu Greenpeace và TotalEnergies xung quanh việc xác định các quy tắc chung được tất cả các bên công nhận.

Tệ hơn nữa, các công ty dầu mỏ thường thể hiện mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050 của họ không phải bằng giá trị tuyệt đối (giảm khối lượng phát thải) mà bằng giá trị tương đối (lượng khí thải CO2 tạo ra do đốt một lít dầu). Điều này sẽ mở cửa cho hiệu ứng ngược trở lại. Và chính vì sự phức tạp trong tính toán, nên phương pháp tính giá trị này ở mỗi công ty là khác nhau.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các tập đoàn không thể chỉ công bố các mục tiêu cho năm 2050. Tầm nhìn xa xôi này không có sự cam kết của cả cổ đông lẫn người quản lý và các mục tiêu đặt ra là không thể kiểm chứng được trên thực tế. Hơn bao giờ hết, mỗi năm các tập đoàn đều cần công bố những mục tiêu riêng và những cam kết cụ thể cho năm 2024, cũng như chặng đường tiếp theo đều rất cần được minh bạch. Chúng không chỉ cần được thể hiện theo một thước đo minh bạch và có thể kiểm chứng được, mà còn phải định lượng các phương tiện dùng để lên kế hoạch nhằm đáp ứng các cam kết đã công bố.

Ở thời điểm mà các tập đoàn dầu mỏ đang bị công luận và các Chính phủ thúc đẩy nhanh chóng hành động vì khí hậu theo cách tương xứng với trách nhiệm và trong bối cảnh một số tập đoàn khẳng định đã tuân thủ “mục tiêu 1,5°C”, thì điều quan trọng trước hết là các thông báo mà họ đưa ra phải dễ hiểu và có thể so sánh được, để có thể đánh giá mức độ phù hợp và độ tin cậy của tất cả.

Điều này đòi hỏi thông báo kết quả thực hiện của các tập đoàn phải được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí đơn giản, đồng nhất và được chấp nhận. Đồng thời, các tiêu chí đó không nên đưa ra theo cách tự xác định mà phải tuân theo một tiêu chuẩn quốc tế được tất cả các bên liên quan công nhận. Cách tiếp cận này tất nhiên có giá trị đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục