Các thị trường chứng khoán châu Á mất động lực sau số liệu kinh tế của Mỹ

16:54' - 22/03/2024
BNEWS Trong phiên 22/3, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, sau khi số liệu được công bố cho thấy kinh tế Mỹ vẫn mạnh, khiến Fed có thể không giảm mạnh lãi suất như dự báo.
Trong phiên giao dịch ngày 22/3 tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á mất điểm, trước khả năng lãi suất tại Mỹ có thể chậm hơn dự kiến. Trên các thị trường hàng hóa, giá dầu và vàng đều chịu sức ép đi xuống trong phiên này.

* Hầu hết các thị trường chứng khoán mất động lực

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, sau khi số liệu được công bố cho thấy tình hình kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, gây lo ngại mới về lạm phát và làm giảm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm mạnh lãi suất như dự báo trong năm nay.

 
Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,1%, xuống 16.505,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1%, xuống 3.048,03 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2%, lên 40.888,43 điểm.

Các thị trường chứng khoán trong khu vực để mất động lực sau khi loạt số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh, trong điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn.

Doanh số bán nhà tại Mỹ tháng trước tăng mạnh nhất trong một năm, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn gần mức thấp kỷ lục, khi thị trường lao động vẫn thắt chặt.

Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực chế tạo cũng tăng nhanh hơn dự kiến.

Theo nhà phân tích Stephen Innes thuộc công ty đầu tư SPI Asset Management, Fed có thể giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn so với dự báo của thị trường.

* Giá dầu giảm trước khả năng ngừng bắn tại Dải Gaza

Giá dầu giảm trong phiên này, trước khả năng các bên tiến gần đến thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, từ đó giảm căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, trong khi đồng USD mạnh lên và nhu cầu tại Mỹ giảm gây ra những sức ép.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 53 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 85,25 USD/thùng vào lúc 13 giờ 51 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu WTI kỳ hạn của Mỹ giảm 52 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 80,55 USD/thùng.

Cả hai loại dầu trên đà khép lại tuần này ổn định hoặc giảm nhẹ, sau khi tăng hơn 3% trong tuần trước.

Giá dầu giảm khi có tin Mỹ trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza và do các nhà giao dịch chốt lời.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, lượng tiêu thụ xăng giảm xuống dưới mức 9 triệu thùng lần đầu tiên trong ba tuần, cho thấy nhu cầu có thể đang chậm lại.

Trong khi đó, đồng USD mạnh lên sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ bất ngờ hạ lãi suất, làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro trên toàn cầu.

* Giá vàng giảm do sức ép từ đồng USD mạnh

Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần, khi đồng USD mạnh lên, nhưng có thể tăng trong cả tuần, khi Fed quyết định giữ nguyên kế hoạch hạ lãi suất trong năm 2024, nhờ đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

Giá vàng giao ngay giảm 0,7%, xuống 2.166,47 USD/ounce vào lúc 14 giờ 46 phút (theo giờ Việt Nam). Giá kim loại quý này đã tăng 0,5% kể từ đầu tuần và có thể tăng tuần thứ tư trong vòng 5 tuần.

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,8%, xuống 2.168 USD/ounce.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong ba tuần và trên đà tăng tuần thứ hai, khiến vàng đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên 21/3, khi Fed vẫn dự kiến hạ lãi suất 0,75 điểm phần trăm cho đến cuối năm 2024, dù lạm phát vẫn cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục