Cách nào để đẩy mạnh xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ?

17:31' - 01/04/2022
BNEWS Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có quy mô kinh tế lớn, hoạt động ngoại thương sôi động và nhu cầu tiêu dùng cao với số dân tới gần 84 triệu người.

Thế nhưng, do khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển cao, công nghệ bảo quản chưa thực sự tốt đang là rào cản lớn cho hàng hóa Việt, nhất là nông sản gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

 
Theo bà Phạm Thị Thu Thủy, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Cán cân thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây thường thặng dư về phía Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp, khoảng 0,5%. Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp, ngoại trừ hạt tiêu, hạt điều, xơ, sợi, cao su.

Thống kê từ Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 189 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, đây là thị trường tiềm năng, cửa ngõ quan trọng vào khu vực Trung Đông, là nơi trung chuyển vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, đồ gỗ, cao su, chè, sợi, vải, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử…

Chỉ rõ về từng mặt hàng xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này chia sẻ, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ có thể chia làm 3 nhóm chính.

Cụ thể, nhóm đầu tiên là các sản phẩm tiêu dùng cao cấp như điện thoại di động, máy tính, sản phẩm điện tử; dệt may, giày dép (chủ yếu của các thương hiệu lớn).

Những sản phẩm này hướng tới người tiêu dùng có thu nhập cao và ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bởi vài năm trở lại đây, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không tăng trưởng nhanh, chỉ duy trì ở mức 1-3% nên các mặt hàng này không thể tăng trưởng mạnh.

Đi liền với đó là nhóm nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu, chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu và xơ, sợi dệt các loại, cao su. Đây là những mặt hàng quan trọng được các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ duy trì nhập khẩu từ Việt Nam.

Dù vậy, hàng Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác và biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, nhóm hàng nông sản đã có mặt tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thị phần còn khá nhỏ. Đặc biệt, cao su là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn do là nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô nhưng đang chịu cạnh tranh lớn.

Hơn nữa, mặc dù mặt hàng hạt tiêu, hạt điều đã có sự cải thiện về kim ngạch nhưng giá xuất khẩu không cao.

Cùng với đó, gạo và chè kim ngạch xuất khẩu nhỏ, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam và tái xuất sang nước thứ ba.

Không chỉ vậy, quả các loại số lượng xuất khẩu không lớn và không phải sản phẩm nào cũng được nhập khẩu trực tiếp bởi khó khăn về vận chuyển và kiểm tra hàng hóa nhập khẩu khắt khe từ nước sở tại.

Điều này cho thấy, việc gia tăng xuất khẩu hàng Việt sang Thổ Nhĩ Kỳ không phải vấn đề đơn giản, doanh nghiệp phải vượt qua nhiều rào cản, thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư cho chất lượng sản phẩm và công nghệ bảo quản.

Nhằm giúp doanh nghiệp tham gia giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm để tăng cường các cơ hội hợp tác kinh doanh, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là với các hội chợ, triển lãm thương mại quy mô lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục