Cách thức Trung Quốc tìm kiếm quyền lực "mềm"

06:30' - 24/08/2017
BNEWS Diễn đàn Đông Á số mới ra có bài viết cho rằng cách đây 10 năm, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lúc bấy giờ đã tuyên bố rằng Trung Quốc cần thiết phải phát triển quyền lực "mềm".
8 trong số 10 người trên thế giới biết đến tên tuổi Huawei. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn chưa thực sự nắm giữ quyền lực "mềm". Tỷ lệ phần trăm người dân trên thế giới ủng hộ Trung Quốc đã giảm từ 48% hồi năm 2007, thời điểm ông Hồ Cẩm Đào đưa ra tuyên bố đó, xuống còn 40% hồi năm 2016.

Ngay cả ở những khu vực mà Trung Quốc đầu tư rất hào phóng, mọi thứ không có nhiều thay đổi. Thái độ tích cực vẫn ở mức ổn định tại hầu hết các nước Latinh và Trung Mỹ, dù giảm nhẹ ở châu Phi.

Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian từ năm 2007-2016, tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc đã giảm mạnh ở các nước phương Tây. Tại Mỹ, tỷ lệ ủng hộ đó đã giảm từ 42% xuống còn 37% và ở Tây Âu từ 39% xuống còn 32%, duy chỉ ở Australia là ổn định với mức 52%.

Tuy nhiên, một thành phần mới gần đây nổi lên trong việc giúp Trung Quốc tìm kiếm quyền lực "mềm" - đó là các nhãn hiệu Trung Quốc và ảnh hưởng của chúng trên toàn cầu.

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng 30 thương hiệu Trung Quốc đang “có mặt trên toàn cầu” (có nghĩa là những thương hiệu này chiếm một phần đáng kể trong doanh thu và niềm tin tích cực từ khách hàng nước ngoài), bao gồm các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp “truyền thống” như Lenovo và Huawei cũng như các doanh nghiệp Internet và kỹ thuật số mới như Alibaba hay Elex.

Điểm chung của tất cả doanh nghiệp này là họ đều có một chiến lược tăng trưởng toàn cầu được củng cố trên cơ sở xây dựng thương hiệu và công bằng, chứ không phải thúc đẩy bởi số lượng bán sản phẩm hay thu mua, sáp nhập với các công ty khác.

Chẳng hạn như tập đoàn Huawei, 8 trong số 10 người trên thế giới đều biết đến tên tuổi của công ty này vì Huawei xếp hạng thứ ba thế giới về tổng doanh số bán điện thoại thông minh chỉ sau Samsung và Apple. Ngoài ra, danh thủ bóng đá nổi tiếng thế giới Lionel Messi là người phát ngôn của tập đoàn này và trước đó họ cũng đã hợp tác với nhiều nhân vật nổi tiếng ở Hollywood.

Tương tự như vậy, tập đoàn Elex, một nhà phát triển trò chơi trực tuyến và điện thoại di động được thành lập hồi năm 2008, đã đạt hơn 50 triệu người sử dụng tại 40 quốc gia.

Giống như các công ty Internet khác đang nổi lên ở Trung Quốc, tập đoàn Elex không chỉ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc mà đang vươn đến các thị trường nước ngoài bằng cách đẩy mạnh khả năng nắm bắt sở thích của người tiêu dùng.

Hồi đầu những năm 2000, bà Shelly Lazarus, Giám đốc điều hành công ty quảng cáo toàn cầu Ogilvy & Mather, đã nhận xét rằng “Trung Quốc không có thương hiệu nào thực sự nổi bật và có giá trị”. Mặc dù bình luận của bà gây ra nhiều tranh cãi vào thời điểm đó, rất ít người có thể tranh luận thuyết phục với bà.

Các thương hiệu của Trung Quốc - quyền lực "mềm" của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Các nhà phê bình lưu ý rằng mặc dù những công ty này có thể thành công về mặt thương mại, họ vẫn chưa thành công về mặt thương hiệu để khớp nối các giá trị và giành niềm tin của người tiêu dùng trên thế giới. Nói cách khác, quyền lực "mềm" của họ là khá yếu bởi hai luận điểm sau:

Thứ nhất, việc xây dựng một thương hiệu cần có thời gian và tiền bạc. Các thương hiệu như Huawei và Elex chưa thể có sức mạnh "mềm" như của Apple hay Google vì họ có một nền tảng vững chắc về những gì các nhà tiếp thị gọi là “thương hiệu định vị” mà từ đó họ có thể phát triển.

Thứ hai, các nhà phê bình sẽ làm tốt để xem xét các rủi ro liên quan mô hình kinh doanh thay thế vốn phổ biến trong các doanh nghiệp Trung Quốc, đó là đa dạng hóa và mua lại các công ty nước ngoài.

Các tập đoàn nổi tiếng như bảo hiểm Anbang, Fosun International, Dalian Wanda và Quản lý thể thao Trung-Âu (Sino-Europe Changxing Co Ltd) là những công ty đã tham gia vào việc mua lại các công ty khác trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến sự giám sát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc - các thỏa thuận mua bán của những công ty này bị một đơn vị đặc biệt của chính phủ phong tỏa để điều tra trong vài năm trở lại đây vì nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm kinh tế.

Các thương hiệu hướng tới “toàn cầu” của Trung Quốc chắc chắn không phải là giải pháp trước mắt để thu hẹp khoảng cách quyền lực "mềm" của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ cần phải phát huy tiềm năng văn hóa và chính trị của mình nếu nước này muốn bắt kịp sức mạnh "mềm" của Mỹ trên thế giới.

Nếu quỹ đạo phát triển các thương hiệu của Trung Quốc đi đúng hướng, không có lý do gì để không mong đợi Huawei hay Alibaba sẽ trở thành một phần thương hiệu quyền lực "mềm" của Trung Quốc trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục