Cách xác định sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

15:13' - 27/09/2019
BNEWS Ngày 27/9, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Thông tư “Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” tại Tp. Hồ Chí Minh.

Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu và không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác ghi nhãn thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, phục vụ cho việc ghi nhãn hàng hóa và tiếp thị hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Những quy định trong Thông tư không mới, nhưng trong thời gian qua chưa được doanh nghiệp và cộng đồng xã hội quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, Thông tư này sẽ quy định cụ thể đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam, gồm: sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo, sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất…

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền thể hiện hoặc không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trong thời điểm hiện nay, rất cần thiết có Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Bởi, vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa Việt Nam là vấn đề đang được cộng đồng xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư có những điểm chưa phù hợp như: từ ngữ Bộ Công Thương yêu cầu trong gắn nhãn mác, liên quan đến sản xuất là chính, còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác chưa phù hợp.

Ngoài ra, Thông tư có ảnh hưởng khác nhau đến từng lĩnh vực, ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, nên tránh áp lực trước bối cảnh thị trường mà đưa ra Thông tư một cách vội vàng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền sản xuất, cũng như phát triển kinh tế.

Các quy định không mới, nhưng cần xem xét tác động thực tế đối với từng ngành nghề, lĩnh vực để không cản trở tính cạnh tranh của hàng hóa.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng cho rằng, Ban soạn thảo Thông tư cần tập trung nghiên cứu, nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp và tham vấn hiệp hội để có những ngành nghề, lĩnh vực cần linh hoạt, ngược lại cần chặt chẽ.

Đặc biệt, quy định của Thông tư cũng nên so sánh với những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để có những quy định đáp ứng được nhu cầu tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục