"Cái bắt tay" tiền tỷ giữa Alstom và Bombardier

09:18' - 18/02/2020
BNEWS Ngày 17/2, tập đoàn Alstom của Pháp đã đạt được thỏa thuận tiếp quản mảng kinh doanh đường sắt từ tập đoàn công nghiệp Bombardier của Canada.
Biểu tượng của Tập đoàn công nghiệp Bombardier. Ảnh: Reuters

Thương vụ này được xem là một bước tiến trong việc vực dậy Bombardier, vốn đang chìm trong nợ nần. Theo phóng viên TTXVN tại Paris, với thỏa thuận này, Alstom sẽ mua lại Bombardier Transport có trụ sở ở Berlin (Đức) với giá 5,8-6,2 tỷ euro (khoảng 6,3-6,7 tỷ USD), trong đó 70% được thanh toán bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.

Như vậy, Alstom sẽ tiếp quản và trực tiếp quản lý Bombardier Transport gồm hơn 40.000 nhân viên, cùng với 36.000 nhân viên hiện có của mình.

Quỹ CDPQ, hiện nắm giữ 32,5% vốn của Bombardier Transport, sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn đường sắt Pháp trong trung hạn, với tỷ lệ sở hữu 18%. Trong khi đó, cổ phần của Bouygues, cổ đông lớn nhất hiện tại của Alstom, có thể giảm xuống khoảng 10%, so với 15% hiện nay.

Việc Bombardier bán mảng vận tải cho Alstom là một bước tiến trong việc giảm gánh nặng cho tập đoàn này, vốn đang gặp nhiều khó khăn với khoản nợ dài hạn 9,3 tỷ USD. Giới chuyên gia cho rằng khả năng Bombardier phải bán đi một số mảng kinh doanh là điều "không thể tránh khỏi".

Ngày 13/2 vừa qua, Bombardier công bố kết quả hoạt động trong năm 2019 với khoản lỗ tăng thêm 1,6 tỷ USD, đồng thời tuyên bố nhượng quyền sở hữu công ty Airbus Canada cho tập đoàn Airbus và chính quyền vùng Québec.

Tình hình tài chính khó khăn hiện tại đã buộc Giám đốc điều hành Bombardier Alain Bellemare phải thừa nhận công ty đang cận kề nguy cơ phá sản trong những năm gần đây, trước khi ông công bố kế hoạch tái cơ cấu lớn vào năm 2015, theo đó cắt giảm hàng nghìn việc làm. Gần đây, mảng kinh doanh đường sắt của công ty đã phải nỗ lực để đảm bảo các con tàu mới được giao đúng hạn tại Canada và châu Âu./.

Xem thêm:

>>Tập đoàn Bombardier của Canada vật lộn trong "núi nợ"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục