Cải cách thủ tục hành chính - Bài 1: “Chìa khóa vàng” giúp Thủ đô phát triển"

08:50' - 14/12/2018
BNEWS Dường như chưa năm nào Thủ đô Hà Nội về đích sớm như năm nay bởi hết tháng 11/2018, đã có 20/20 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Để có được kết quả này phải kể đến sự đổi mới trong các cơ quan công quyền; trong đó, Hà Nội xem cải cách thủ tục hành chính là “chìa khóa” của mọi cánh cửa.

Lâu nay, những ai đã từng giải quyết thủ tục hành chính tại Hà Nội đều cảm nhận được sự phiền hà, rắc rối, mất thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc nhưng công việc vẫn không đạt như mong muốn.

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, quận Thanh Xuân. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Dường như câu nói đùa “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành quen thuộc, phản ánh đúng thực tế diễn ra. Thành phố xem đây như là vấn đề nan giải, khó đổi mới ở tất cả các cấp. Đây cũng là tác nhân khiến ai đến Hà Nội sinh sống, lao động hay hợp tác đầu tư cũng e ngại; nó kìm hãm sự phát triển ở một mảnh đất đầy tiềm năng và hứa hẹn như Thủ đô.

Giải quyết thủ tục hành chính ở Hà Nội từ lâu luôn khó khăn, bởi cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân do khung pháp lý, cơ chế chính sách, thủ tục rườm rà, chồng chéo dẫn tới người dân phải mất nhiều thời gian mới hoàn thành.

Chưa kể, những thủ tục rườm rà cũng là cơ sở để cán bộ giải quyết bắt bẻ, gây khó dễ đối với người dân, doanh nghiệp bằng những yêu sách về giấy tờ hoặc là “câu giờ”,không hướng dẫn rõ ràng, khiến người dân đi lại nhiều lần trong môi trường giao thông tắc nghẽn.

Vì vậy, từng có lúc lãnh đạo cấp cao của thành phố phải thốt lên câu “bôi trơn, nhưng vẫn không trơn”. Mặc dù đã có nhiều hình thức, biện pháp, giải pháp kỷ luật, răn đe, nhưng nạn nhũng nhiễu vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp và ngày một tinh vi hơn nên càng khó phát hiện hơn.

Thành phố Hà Nội đã khách quan nhìn nhận đây là vấn đề níu kéo sự phát triển và năm 2018 đã chủ động triển khai chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Thành ủy chỉ đạo toàn hệ thống chính trị đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm; đặc biệt, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

Người đứng đầu luôn được quán triệt phương châm “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả. Từ đây, xác định được trách nhiệm từng người, từng địa phương, từng đơn vị, dựa trên những vấn đề được giao, qua đó đánh giá năng lực cũng như xem xét những vấn đề tồn đọng, bất cập, khó khăn trong giải quyết.

Trong năm 2018, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất bằng cách đơn giản hóa thủ tục về đất đai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước, hỗ trợ chuyển giao và đổi mới công nghệ; tổ chức tư vấn, hỗ trợ miễn phí thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ làm con dấu pháp nhân…

Ngoài ra, khi thành lập doanh nghiệp chỉ cần kê khai qua mạng, thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả đến doanh nghiệp.

Nhờ tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, năm 2018 Hà Nội thu hút FDI đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thành phố tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2018 Hà Nội thu hút FDI đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch năm, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Thành phố chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch để góp phần duy trì, cải thiện các chỉ số xếp loại cạnh tranh trên cả nước.

Ngoài duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính, thành phố tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, quán triệt chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Công tác kiểm tra giám sát cũng được thành phố tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, công sở.

Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên lĩnh vực quản lý Nhà nước, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt, tăng cường mua bán trao đổi thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và chính quyền, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Thành phố cũng triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ chế cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4.

Đồng thời, duy trì kết nối hạ tầng kỹ thuật phục vụ họp giao ban trực tuyến mở rộng đến cấp xã; duy trì vận hành hệ thống mạng thông tin điện tử giữa Thành ủy – HĐND – UBND thành phố và triển khai gửi, nhận 100% văn bản, tài liệu điện tử trong giao dịch hành chính điện tử, tiến tới giảm tối đa sử dụng văn bản giấy…

Những nỗ lực của Hà Nội đang từng bước đạt hiệu quả, gây được thiện cảm tại cơ quan công sở đối với nhân dân và các nhà đầu tư. Tuy vậy, đây mới là tiền đề và để đạt được như mong muốn, thành phố đang tiếp tục rà soát, đúc kết kinh nghiệm nhằm triển khai quyết liệt, sâu rộng hơn, tạo đà cho năm 2019 thuận lợi hơn./.

(Bài 2: Những giải pháp mạnh)

Xem thêm:

>>Thu hút FDI ở Hà Nội tăng 189%

>>30 năm thu hút FDI: Dấu ấn chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục