Cần hỗ trợ về công nghệ và tài chính để phát triển năng lượng xanh

16:50' - 10/11/2021
BNEWS Việc chuyển dịch nguồn năng lượng để phát triển bền vững là một lộ trình nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, cần có hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Chiều 10/11, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề số 4 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian qua, phát triển năng lượng của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.

Tuy nhiên, kèm theo sự gia tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, tổng phát thải khí CO2 cũng gia tăng nhanh chóng, phát thải khí CO2 bình quân đầu người hàng năm ở mức 1,96 tấn năm 2015 đã tăng lên 2,95 tấn vào năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”; theo đó, tỷ lệ điện năng mặt trời chiếm khoảng 5,4-5,9% vào năm 2030, năm 2045 tăng lên đạt tỷ lệ 8,4%.

Đối với điện gió trên bờ và gần bờ, năm 2030, tỷ lệ điện năng gió trên bờ và gần bờ chiếm khoảng 6,5%; về điện gió ngoài khơi, đạt khoảng 2.000 MW hoặc có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi vào năm 2030; đối với điện từ chất thải rắn, sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến năm 2030, điện năng sản xuất từ các nguồn này đạt khoảng 0,9-1%, tăng lên 2,2-2,5% vào năm 2045.

Qua các số liệu dự kiến trên cho thấy công suất nguồn và tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2030-2045 với kỳ vọng của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển sẽ làm giảm mạnh suất đầu tư và giá thành điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo; chi phí điện quy dẫn (LCOE) của các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể thấp hơn các dự án điện sử dụng các dạng năng lượng truyền thống khi tính đủ các chi phí ngoại biên.

Thực tế cho thấy, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng. Do đó, việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay; trong đó, cần chú trọng tới công nghệ năng lượng mới, năng lượng xanh và tái tạo, gắn kết chặt chẽ chương trình này với kế hoạch xây dựng quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.

Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần quan tâm xây dựng Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó phải có nhiệm vụ giải pháp về phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới; chú trọng nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát huy thế mạnh cạnh tranh để phát triển công nghiệp năng lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với những quan điểm định hướng đề ra trong Nghị quyết 55.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái taọ - Bộ Công Thương cho hay, nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo hướng đa đạng, tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo với cơ cấu hợp lý.

Cụ thể sẽ gia tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 11,9-13,4% năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% năm 2045; giảm tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện than trong cơ cấu sản xuất, từ 44,2-45,5% năm 2030 xuống 27,4-32,4% năm 2045; phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG và tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như tích năng, năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng hydrogen, năng lượng từ rác thải.v.v…

“Việc chuyển dịch nguồn năng lượng để phát triển bền vững là một lộ trình nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, cần có hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới”, ông Hùng nói.

Để hướng tới chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng xanh, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC) cho rằng, điện gió ngoài khơi với sự thuận lợi trong huy động vốn, công nghệ phát triển có thể sẽ là nguồn năng lượng giúp thay thế phần nào thiếu hụt cho điện than.

“Chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Dự kiến trong 5 năm tới, chi phí này sẽ giảm thêm 30%. Do vậy, những hỗ trợ ban đầu của Việt Nam cho điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để cho ngành có thể giảm mạnh giá thành sản xuất và trở nên cạnh tranh về giá. Điện gió ngoài khơi nên có một mục tiêu tham vọng ở mức 10 GW và điều này là hoàn toàn khả thi, bởi nguồn vốn cho mục tiêu này đã có sẵn từ các tổ chức quốc tế..”./.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục