Cần làm gì để có chứng nhận xuất xứ Made in Vietnam

17:08' - 17/10/2019
BNEWS Doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên tìm hiểu xác định trước xuất xứ; thậm chí, gửi ảnh, thiết kế chi tiết xem có đáp ứng hay không
Ngành chế biến, chế tạo Việt Nam đang đón nhận những cơ hội để tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 17/10, bên lề Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại khu vực phía Bắc, Công ty Informa Markets tổ chức Diễn đàn “Sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm Made in Vietnam”. Các chuyên gia đã có những chia sẻ và lưu ý tới doanh nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo trong nước khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Nestor Scherbey - Chủ tịch CTRMS Việt Nam – Đại diện tại Việt Nam của Liên minh tạo thuận lợi toàn cầu (GATF) cho hay, hàng hóa của Việt Nam có nhiều linh kiện vật liệu, từ các nguồn gốc khác nhau, nhất là các hàng gia công, chế biến... Khi làm việc tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chia sẻ đã có chứng nhận xuất xứ từ Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng là chưa đủ vì phía Hải quan Hoa Kỳ sẽ tự điều tra nghiên cứu về xuất xứ.
Do đó, doanh nghiệp nên có xác nhận xuất xứ trước khi xuất khẩu để thuận lợi hơn. Đơn cử như với máy hút bụi, moderm là Trung Quốc, sau đó đưa qua Việt Nam lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Sản phẩm này được coi là Made in Vietnam nhưng hoàn toàn không phải.
"Doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu xác định trước xuất xứ; thậm chí, gửi ảnh, thiết kế chi tiết xem có đáp ứng hay không" - ông Nestor Scherbey nhấn mạnh.
Việc này sẽ kiểm tra về thay đổi hàng hóa có đáng kể không, nơi nào có thay đổi nhất thì xác định xuất xứ sản phẩm tại nơi đó. Nếu không có xác định trước này, phía Hoa Kỳ sẽ điều tra và phản hồi, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần làm sớm vấn đề này để "phòng bệnh hơn chữa bệnh", bởi khi phía Hoa Kỳ yêu cầu giải trình, xác định xuất xứ sẽ rất phức tạp... 
Còn theo ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường Toàn cầu – Ngân hàng UOB, hiện đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Khu vực ASEAN có chi phí lao động thấp nhưng sẽ không phải mãi mãi như vậy. Các công ty đến Việt Nam nhận định có nhiều cơ hội. Giá trị đầu tư vào Việt Nam của các công ty này đã tăng dần qua các năm, tập trung vào ngành chế biến chế tạo; trong đó, chủ yếu là Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc tăng rất mạnh trong thời gian qua, lên đến gần 20%; Hồng Kông (Trung Quốc) hơn 12%, Đài Loan (Trung Quốc) hơn 4%; Nhật Bản hơn 15%, giảm gần 40% so với các năm trước.
Như vậy, Việt Nam phải làm gì để đón nhận tốt nhất nguồn đầu tư này, chuyển hóa thành các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp và nâng cao khả năng logistics sẽ là giải pháp cho vấn đề này, ông Suan Teck Kin lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho rằng, để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần tham gia các sự kiện kết nối, chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp; thành lập tham gia các nhóm không chính thức để chia sẻ cập nhật thông tin. Ngoài ra, cần tạo hồ sơ năng lực hấp dẫn, cải tiến năng suất, giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh bằng giá và chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản xuất, kinh doanh.
Ông Hans Kerstens, Giám đốc kinh doanh và Marketing – Khu công nghiệp Deep C cho rằng, các doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư tại Việt Nam nên quan tâm chi phí logistics. Chi phí logistics hiện đang có vấn đề do đường xá, các tuyến đường vận tải.
Việt Nam có nhiều sông ngòi, có thể khai thác để phát triển logistics tốt hơn, đây cũng là một hướng để các doanh nghiệp đầu tư vào, ông Hans Kerstens gợi ý.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục