Cần thay đổi tư duy trong cải cách thuế

16:01' - 15/09/2016
BNEWS Việt Nam cần thay đổi trong tư duy quản lý thuế. Kinh nghiệm tốt cho thấy, việc tiếp cận dựa trên việc quản lý rủi ro sẽ đem lại hiệu quả cao.
Việt Nam cần thay đổi tư duy trong cải cách thuế.Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN
Cảm nhận chung của các đại biểu tham dự Hội thảo Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế do Tổng Cục Thuế phối hợp với USAID (Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện) tổ chức ngày 15/9 tại Hà Nội đều cho rằng ngành thuế đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính nhưng với xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Ông Hoàng Tiến Lợi, chuyên gia tư vấn của Dự án USAID/Viet Nam GIG cho biết, khảo sát hơn 80 doanh nghiệp qua mạng Internet đều khẳng định, thời gian qua ngành thuế có nhiều đổi mới trong cải cách chính sách thuế như giảm thời gian nộp thuế, chi phí tuân thủ do thực hiện kê khai thuế qua mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo doanh nghiệp phản ánh, việc thay đổi liên tục chính sách thuế khiến doanh nghiệp khó hoạch định kế hoạch kinh doanh. Việc triển khai văn bản dưới luật, nghị định thiếu rõ ràng khiến bản thân cán bộ thuế chưa cập nhật kịp thời nên khó khăn trong tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo khảo sát Dự án USAID/Viet Nam GIG hiện có 9,3% doanh nghiệp còn gặp khó khăn về đăng ký nộp thuế; 14,7% về hóa đơn chứng từ; 32% về kê khai thuế; 13,3% về nộp thuế…

Ngoài ra, việc chưa áp dụng khai thuế điện tử đối với một số hồ sơ như tờ khai thuế môn bài, chứng từ thuế thu nhập cá nhân, thủ tục liên quan hoàn thuế cũng gây bất cập cho doanh nghiệp

Mặc dù Tổng Cục Thuế đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính nhưng do thiếu chức năng hỗ trợ đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ thuế nên vẫn chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, khảo sát tại các địa phương, các doanh nghiệp cảm nhận được luồng gió đổi mới với sự thay đổi tích cực của cán bộ thuế trong cung cách làm việc. Nhưng còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Chẳng hạn, như thời gian qua, mặc dù mức thuế suất có nhiều thay đổi nhưng mới chạy theo xử lý vụ việc nên làm mất nguyên tắc cơ bản trong luật. Vì vậy, dẫn tới việc cùng một vấn đề nhưng lại có nhiều cách hiểu khác nhau.

Cụ thể, một doanh nghiệp có trụ sở tại nhiều địa phương khác nhau, cùng một vướng mắc nhưng lại nhận được phản hồi khác nhau, tại mỗi địa phương. Đôi lúc, văn bản đã có hướng dẫn, đổi mới nhưng bản thân doanh nghiệp lại không biết đến việc đổi mới đó.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Cúc, việc thay đổi chinh sách thuế nên có hệ thống và cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp, cơ quan thuế người dân hiểu và nắm rõ hơn.

Đưa ra một số kinh nghiệm trong vấn đề quản lý thuế, ông Michael D’Ascenzo, Chuyên gia tư vấn của Dự án USAID/Việt Nam GIG cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa ra giải pháp giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Gỡ vướng trong lĩnh vực thuế để doanh nghiệp “khỏe”. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Michael D’Ascenzo, các sáng kiến phát huy tác dụng ở một quốc gia này chưa chắc phát huy hiệu quả ở một quốc gia khác. Việc cảm nhận môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đối với một nước hình thành từ nhiều nguồn khác nhau nên đòi hỏi phải cải thiện toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước chứ không riêng vấn đề của ngành thuế.

Bởi, doanh nghiệp kinh doanh đánh giá về vấn đề thuế ở một quốc gia nhìn vào tổng thể của chính sách thuế chứ không riêng một sắc thuế. Do vậy, Việt Nam cần thay đổi trong tư duy quản lý thuế. Kinh nghiệm tốt cho thấy, việc tiếp cận dựa trên việc quản lý rủi ro sẽ đem lại hiệu quả cao.

Cũng theo ông Michael D’Ascenzo, việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp phải dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy. Làm được điều này, đội ngũ cán bộ thuế phải có trình độ chuyên môn cao và thái đội phục vụ tốt. Trong công tác tham vấn phải lấy người sử dụng làm trung tâm. Do đó, việc quan trọng của ngành thuế là phải cải thiện quy trình nghiệp vụ và áp dụng tốt hơn hê thống công nghệ thông tin.

Đồng tình với ý kiến Việt Nam còn tồn tại tình trạng, văn bản hướng dẫn chưa rõ rằng, thiếu sự thống nhất giữa các bên liên quan, ông Michael D’Ascenzo lưu ý kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có sư cải thiện hiệu quả sự phối hợp giữa Tổng Cục Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội…để loại bỏ thủ tục không cần thiết.

Theo ông Hoàng Tiến Lợi, các cơ quan thuế cũng nên gắn trách nhiệm giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp vào thành tích cá nhân, tập thể từ đó giải quyết hiệu quả những vấn đề phản hồi của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục