Cần Thơ ủng hộ để sớm thực hiện dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn

17:22' - 11/05/2022
BNEWS Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Thành phố Cần Thơ mong chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn nhanh như kế hoạch và sẽ ủng hộ hết mình để dự án sớm được triển khai.

Ngày 11/5, UBND thành phố Cần Thơ đã có cuộc làm việc với Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO) của Nhật Bản và các đơn vị có liên quan về công tác chuẩn bị cho dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn trên địa bàn thành phố Cần Thơ. 

 

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết, dự án là kỳ vọng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không riêng 3 địa phương mà dự án đi qua. Thành phố Cần Thơ mong chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án nhanh như kế hoạch và sẽ ủng hộ hết mình để dự án sớm được triển khai.

Theo SWPOC, dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn là phần trung nguồn của chuỗi dự án Lô B, với mục tiêu dẫn chuyển, cung cấp khí cho các nhà máy điện, cụm khí điện đạm Cà Mau tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này đi qua 3 địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là thành phố Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau, với chiều dài 70 km; trong đó, đi qua địa phận Cần Thơ 31 km…

Theo SWPOC, hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục đầu tư và các thủ tục về thu xếp phần vốn góp và được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) quan tâm, mong muốn cho vay…

Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để sớm đưa dự án vào vận hành. Khoảng tháng 7/2022 sẽ có quyết định đầu tư cho chuỗi khí điện và có dòng khí đầu tiên vào Ô Môn khoảng quý IV/2025.

Hiện nay dự án đường ống dẫn khí đang hoàn thiện những bước sau cùng để đáp ứng yêu cầu của các cấp thẩm quyền. Việc giải phóng mặt bằng đã bàn giao mốc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, dự kiến bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2022, bàn giao đất cho nhà thầu thi công vào quý II/2023.

Tại buổi làm việc, đại diện JBIC và Công ty MOECO của Nhật Bản đã có những trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND và các sở, ngành hữu quan thành phố về việc đánh giá tác động môi trường cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn qua địa bàn thành phố; đặc biệt, phía đối tác rất quan tâm đến hiện trạng thực hiện dự án, việc giám sát, quy trình thu hồi đất và các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng… của thành phố đối với người dân chịu ảnh hưởng. 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn có vai trò quan trọng, góp phần cung cấp năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án trọng điểm của vùng, nằm trong sơ đồ điện 7 của quốc gia chứ không riêng của thành phố Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chính phủ rất quan tâm đến dự án này và đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai dự án góp phần giải quyết việc làm, vốn đầu tư, tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp rất lớn cho cả vùng. Phần dự án đi qua Cần Thơ chủ yếu là đất ruộng, đây là yếu tố thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Theo báo cáo năm 2020, dự án Đường ống dẫn khí đi qua Cần Thơ dài 31 km; trong đó có qua 192 căn nhà kiên cố, 29 căn nhà tạm… Phần đánh giá tác động môi trường hiện có Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Lô B - Ô Môn là 1 trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Dự án là phần trung nguồn của chuỗi dự án Lô B (cuối nguồn là cụm năng lượng Ô Môn và thượng nguồn là giàn khoan ngoài biển).

Sau nhiều năm trì hoãn do vướng mắc tại dự án Nhà máy điện Ô Môn III, đã có tín hiệu tích cực cho dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III.

Nhờ vậy, dự án thượng nguồn dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý 2/2022 sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ô Môn III trong quý 2/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục