Cần xem lâm nghiệp như ngành kinh tế

13:51' - 06/09/2017
BNEWS ''Cần xem lâm nghiệp như là ngành kinh tế thay vì chỉ đơn thuần là bảo vệ'' là quan điểm được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
''Cần xem lâm nghiệp như là ngành kinh tế thay vì chỉ đơn thuần là bảo vệ'' là quan điểm được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) diễn ra tại Hà Nội ngày 6/9.

Ngày 6/9 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Lâm cho rằng, để luật này sau khi được ban hành đi vào cuộc sống, trước hết luật phải giải quyết được những vấn đề đang gặp phải.

Cần xem lâm nghiệp như là ngành kinh tế thay vì chỉ đơn thuần là bảo vệ. Kinh tế không chỉ là lâm sản, không chỉ là gỗ mà cả môi trường và cần lượng hóa thành kinh tế. Bên cạnh đó là giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Tiến Lâm cũng cho rằng cần đồng bộ hóa về các khái niệm trong luật với các luật khác. Bởi nếu mỗi luật đưa ra một khái niệm khác nhau về một vấn đề thì sẽ rất khó xử lý nếu liên quan với các luật khác. Cùng với đó là làm rõ khái niệm rừng tự nhiên và sở hữu rừng vì nếu cá nhân tự đầu tư khoanh nuôi rừng thành rừng tự nhiên mà lại thuộc sở hữu nhà nước thì không được.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm, ông Lâm cho rằng, kiểm lâm không phải có trách nhiệm bảo vệ rừng thay cho chủ rừng. Kiểm lâm chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật bảo vệ rừng của chủ rừng chứ không phải bảo vệ rừng. Vì vậy, phải làm rõ là kiểm lâm không có nhiệm vụ bảo vệ rừng thay chủ rừng.

Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Xuân Ngoan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn cho rằng, nên bỏ điểm b, khoản 1 điều 107: "Bảo vệ khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức bảo vệ các khu rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi Nhà nước chưa có giao, chưa cho thuê" trong nhiệm vụ của kiểm lâm của dự thảo luật.

Theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, trong giao rừng chưa thấy điểm nào liên quan đến giao đất. Nếu giao rừng mà không giao đất thì sẽ không giải quyết được vấn đề bảo vệ, phát triển rừng.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, luật sửa đổi lần này được điều chỉnh rộng hơn và theo chuỗi từ khâu bảo vệ, sử dụng, chế biến, thương mại.

Dự thảo luật quy định cụ thể các chính sách của nhà nước đối với lâm nghiệp; trong đó, khẳng định nhà nước sẽ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trọng điểm, trọng yếu của quốc gia và một số đầu tư công. Còn các nhiệm vụ khác phải được xã hội hóa, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư.

"Dự thảo luật lần này phân biệt rõ đâu là đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích", ông Ngãi bày tỏ.

Theo ông Ngãi, dự thảo luật đã có những đột phá quan trọng; trong đó có các chương chú trọng cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp như phát triển khoa học công nghệ, giá rừng, tài chính trong lâm nghiệp.

Đặc biệt là về sở hữu rừng được phân định rất rõ ràng; trong phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ. Về tài chính trong lâm nghiệp là thể chế hóa dịch vụ môi trường rừng vì đây là nguồn thu rất lớn, hàng năm nguồn thu này chiếm tới 22% tổng đầu tư vào ngành, tương đương với đầu tư của nhà nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục