Canada chi 1,4 tỷ CAD để hỗ trợ sáng kiến nghiên cứu về công nghệ mới

07:10' - 02/05/2023
BNEWS Chính phủ Canada vừa quyết định chi 1,4 tỷ CAD (1,03 tỷ USD) để hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, thu hồi khí thải carbon hay chăm sóc sức khỏe.

Tổng cộng có 11 trường đại học được nhận khoản đầu tư này thông qua Quỹ hỗ trợ nghiên cứu ban đầu (CFREF), một chương trình nhằm hỗ trợ tăng cường công tác nghiên cứu tại các trường đại học.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp, khoa học và đổi mới Canada Francois Philippe Champagne, mục tiêu của việc hỗ trợ nghiên cứu là nhằm giúp các trường đại học, các nhà khoa học đi tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu để đóng góp cho nền kinh tế thế kỷ 21.

Quỹ CFREF được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu giúp các nhà khoa học Canada cạnh tranh trong công tác nghiên cứu, vượt xa năng lực của một phòng thí nghiệm hay một nhóm đơn lẻ.

Đây là lần thứ ba Chính phủ Canada chi tiền đầu tư cho Quỹ CFREF để từ đó có thể phân bổ tới các trường đại học, hoặc viện nghiên cứu dựa trên các dự án nghiên cứu được đăng ký. Trong năm nay, các dự án nghiên cứu được đăng ký rất đa dạng, gồm các sáng kiến về công nghệ, y học và khoa học xã hội.

Đại học Toronton đã giành được khoản hỗ trợ lớn nhất, gần 200 triệu CAD (147,5 triệu USD), cho dự án tập trung vào AI để phát triển vật liệu mới có thể ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc y tế.

 

Đại học McGill cũng giành được khoản hỗ trợ 165 triệu CAD (121,7 triệu USD) cho nghiên cứu phát triển loại thuốc dựa trên RNA. Đây là lĩnh vực nghiên cứu có tầm quan trọng đóng góp cho việc phát triển thành công loại vắc xin mRNA điều trị COVID-19.

Trong khi đó, đại học Dalhousie nhận được hỗ trợ 154 triệu CAD (113,6 triệu USD) cho nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ chưa được biết tới giữa các đại dương và khí hậu. Đại học Calgary nhận được hỗ trợ 125 triệu CAD (92,2 triệu USD) cho đề tài nghiên cứu cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Các trường đại học khác có dự án nhận được hỗ trợ khoảng 100 triệu CAD (73,7 triệu USD) như Đại học Newfoundland (dự án vận chuyển sạch trên Bắc Cực), Đại học Ottawa (dự án kết nối não-tim), Đại học Montreal (đề tài AI có trách nhiệm, Đại học Concordia (dự án cộng đồng khử carbon), Đại học York (hệ thống máy móc và thần kinh) và Đại học Victoria (chuyển đổi năng lượng cộng đồng).

Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (nơi giám sát các dự án nghiên cứu) Ted Hewitt nhận xét các dự án giành được tài trợ lần này rất đáng chú ý khi vượt qua các nguyên tắc nghiên cứu truyền thống, với sự kết hợp giữa khoa học và kỹ thuật, khoa học xã hội và y tế, cũng như các mục tiêu khác liên quan tới vấn đề nhân văn.

Theo ông Champagne, khoa học ngày hôm nay là nền kinh tế của ngày mai. Những khoản đầu tư này đang giúp củng cố vị thế của Canada trong các lĩnh vực nghiên cứu mang tầm thế giới.

Với lực lượng lao động được đào tạo tốt, các tổ chức nghiên cứu khoa học đẳng cấp thế giới và hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, nền kinh tế Canada đang nhanh chóng trở thành nền kinh tế dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, xây dựng được thế mạnh trong các lĩnh vực như AI./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục