Canada đối mặt khủng hoảng nhân công do COVID-19

17:02' - 29/11/2021
BNEWS Nghiên cứu của chính phủ và các nghiệp đoàn tại Canada cho thấy hiện có tới 70% số doanh nghiệp của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công.

Những chỉ dấu về một cuộc khủng hoảng nhân sự đang ngày càng rõ rệt tại Canada: các phòng cấp cứu tại nhiều bệnh viện phải đóng cửa vì thiếu y tá, các nhà hàng giảm thời gian phục vụ và vắng bóng các ông già Noel tại nhiều trung tâm thương mại.

Ở trung tâm thủ đô Ottawa, thông báo "Cần tuyển nhân sự" (Help Wanted) trên cửa sổ của nhà hàng Corazon De Maiz - giống như nhiều nhà hàng khác ở Canada - đã không nhận được hồi đáp kể từ khi các quy định hạn chế để phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Việc chấm dứt lệnh phong tỏa đã thu hút nhiều khách hàng đến với các nhà hàng ở Ottawa, nhưng tình trạng thiếu nhân viên bếp lại khiến các nhà hàng không thể đáp ứng hết nhu cầu của thực khách.

Ông Eric Igari - chủ nhà hàng Corazon De Maiz - chia sẻ: "Chúng tôi đột nhiên bận rộn hơn, nhưng lại phải đóng cửa sớm hơn vì cả tôi và vợ đều kiệt sức sau một ngày làm việc cật lực".

Ông cũng đã thuê thêm nhân viên, nhưng họ bỏ việc chỉ sau 3 giờ làm vì cho rằng công việc này quá vất vả trong khi thù lao chưa tương xứng.

Ông Igari nói: "Chúng tôi đã phải kêu gọi bạn bè cùng tham gia các công việc ở nhà hàng và thậm chí một số khách hàng thân thiết cũng đã tới để giúp đỡ chúng tôi".

Nghiên cứu của chính phủ và các nghiệp đoàn tại Canada cho thấy hiện có tới 70% số doanh nghiệp của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công và tuyên bố rằng thâm hụt thương mại đang kiềm chế đà tăng trưởng của họ.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ăn uống, sản xuất và xây dựng.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Canada, trong tháng 9 vừa qua, đã có tổng cộng 1.014.600 vị trí việc làm bị bỏ trống - cao gấp đôi con số thống kê của cách đây hai năm, trong đó có 196.100 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và 131.200 việc làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Chuyên gia Trevin Stratton thuộc Deloitte Canada cho biết các yếu tố khiến tình trạng thiếu hụt nhân công hiện nay thêm trầm trọng còn bao gồm cả việc dân số già hóa (người già nghỉ hưu nhiều) và số lao động nhập cư giảm do các quy định hạn chế đi lại mà Canada đã áp đặt để phòng dịch COVID-19.

Một số ngành nghề đang linh hoạt thích ứng thông qua ứng dụng công nghệ như tăng cường tự động hóa trong sản xuất, thương mại điện tử trong bán lẻ hoặc cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác, "nhiều công nhân không thực sự cảm thấy thoải mái khi phải làm việc ở đâu đó mà họ phải trực tiếp có mặt".

Ngành kinh doanh nhà hàng là một ví dụ điển hình khi người lao động đã quá mệt mỏi với chu kỳ "phong tỏa - mở cửa trở lại" trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành và “họ muốn tìm kiếm một công việc khác ổn định hơn”.

Trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến Giáng sinh, cuộc khủng hoảng nhân sự này cũng cho thấy những tác động rõ rệt tới nguồn cung những người sắm vai ông già Noel tại các trung tâm mua sắm.

Jeff Gilroy thuộc công ty Just Be Claus cho biết ông đã từ chối 200 hợp đồng thuê ông già Noel tại Ontario. Sau khi chính phủ đưa ra lệnh cấm các cuộc tụ tập đông người vào Giáng sinh năm ngoái, "mọi người đang mong muốn có một ông già Noel để năm nay sẽ có một Giáng sinh vui nhộn hơn".

Trong khi đó, bà Catherine Lacasse thuộc Cơ quan Santa Claus chuyên nghiệp của Quebec cho biết tỉnh của bà dù có rất nhiều ông già Noel, nhưng lại đang chật vật để tìm cho đủ số chú lùn đi cùng ông già Noel.

Chuyên gia Stratton đánh giá: "Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Canada năm nay đã chứng kiến làn sóng 'nhảy việc' - 'đổi nghề' lớn, đặc biệt là của các y tá. Một trong số những lý do dẫn đến tình trạng này là do "sự căng thẳng trong công việc".

Người phát ngôn của Bệnh viện Lachine ở Montreal  - bà Gilda Salomone - cho biết các phòng cấp cứu của bệnh viện này đã phải đóng cửa vào ban đêm do "thiếu y tá nghiêm trọng".

Trong khi đó, một số bệnh viện khác "đang chứng kiến sự thiếu hụt lớn về lao động, theo đó dẫn đến hạn chế chất lượng khám chữa bệnh cũng như khả năng người bệnh tiếp cận dịch vụ chăm sóc."

Các nhà quan sát đã đề nghị tăng lương để thu hút người lao động. Nhưng ông Jasmin Guenette thuộc Nghiệp đoàn Doanh nghiệp độc lập Canada (CFIB) cho rằng đây "không phải là một lựa chọn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đang gặp khó khăn để bù đắp những thiệt hại do đại dịch gây ra".

Ông nói: "Chúng tôi thấy mọi thứ đang dần trở lại bình thường, ví dụ như việc đi ăn nhà hàng, và chúng tôi nghĩ rằng điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, dù ảnh hưởng của đại dịch là rất nghiêm trọng và vẫn đang được cảm nhận".

Theo một cuộc khảo sát của CFIB, các doanh nghiệp nhỏ và trung bình ở Canada có thể nợ tới 170.000 CAD (tương đương 135.000 USD) do đại dịch COVID-19. Ước tính khoảng 180.000 doanh nghiệp, tương đương 1/6 số doanh nghiệp hiện tại ở nước này, "có nguy cơ phải đóng cửa"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục