Canada sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu

11:38' - 09/02/2017
BNEWS Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định nếu Washington áp đặt thuế biên giới với các sản phẩm nhập khẩu thì Canada sẽ "đáp trả một cách thích đáng".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ ngày 8/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đang có nhiều quan ngại xung quanh chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 8/2, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có các cuộc tiếp xúc riêng rẽ với người đồng cấp Canada và Mexico.

Bình luận sau cuộc gặp đầu tiên với tân Ngoại trưởng Mỹ tại trụ sở Bộ Ngoại giao tại Washington, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định Ottawa phản đối mạnh mẽ ý tưởng của Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu mới.

Bà cho biết hiện chưa rõ quan điểm cụ thể của Washington song nếu Washington hiện thực ý tưởng áp đặt thuế biên giới với các sản phẩm nhập khẩu thì Canada sẽ "đáp trả một cách thích đáng".

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín kéo dài 1 giờ đồng hồ, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho biết cuộc gặp diễn ra tốt đẹp.

Hai quan chức ngoại giao đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc thường xuyên và lần gặp tiếp theo sẽ diễn ra tại Mexico. Theo ông Videgaray, Ngoại trưởng Tillerson sẽ đến Mexico trong vài tuần tới.

Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố biên bản nội dung 2 cuộc gặp. Tuy nhiên, một tuyên bố từ phía Mexico trước thềm cuộc gặp của Ngoại trưởng Videgaray với ông Tillerson và Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly hôm 8/2 cho biết ông Videgaray đề cập tới các nội dung bao gồm bảo vệ công dân Mexico tại Mỹ và người di cư, cũng như an ninh và cơ sở hạ tầng biên giới.

Giới quan sát nhận định duy trì quan hệ đối tác thương mại khăng khít giữa ba nước láng giềng Canada, Mexico và Mỹ sẽ là một nhiệm vụ quan trọng đối với Ngoại trưởng Tillerson, trong bối cảnh Tổng thống Trump chủ trương tái đàm phán hoặc xóa bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như áp đặt thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Trump từng chỉ trích NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất mà Mỹ đã ký kết.

Theo nguyên tắc của NAFTA, một quốc gia thành viên bất kỳ có thể rút khỏi hiệp định này chỉ đơn giản bằng cách thông báo cho các thành viên còn lại.

Việc thông báo sẽ kích hoạt quá trình 180 ngày cho phép các thành viên có những cuộc đàm phán mới về thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận mới nào đạt được, hiệp định này sẽ không còn hiệu lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục