Canada và Pháp ủng hộ việc gắn camera trên người cảnh sát

14:46' - 09/06/2020
BNEWS Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 8/6 cho biết ông ủng hộ việc sử dụng camera gắn trên người của cảnh sát để "đảm bảo tính minh bạch" trong công tác của lực lượng này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 8/6 cho biết ông ủng hộ việc sử dụng camera gắn trên người của cảnh sát để "đảm bảo tính minh bạch" trong công tác của lực lượng này, đồng thời giúp giảm tối đa nguy cơ xảy ra các hành vi trấn áp quá mức và phân biệt chủng tộc.

Theo Thủ tướng Trudeau, ông đã thảo luận vấn đề này với Giám đốc cảnh sát quốc gia Brenda Lucki, đồng thời lên kế hoạch trao đổi cùng lãnh đạo các địa phương ở Canada - những người có thẩm quyền điều phối lực lượng cảnh sát tại khu vực.

 Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Trudeau nêu rõ: "Với nhiều báo cáo về tình hình bạo lực chống lại người Canada gốc Phi và người bản địa, chúng tôi nhận thức được rằng chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa, và chúng ta cần thực hiện điều ấy ngay bây giờ".

Các camera gắn trên người của cảnh sát được sử dụng để ghi lại những hình ảnh tương tác giữa cảnh sát và người dân, đồng thời thu thập bằng chứng tại hiện trường vụ án. Theo ông Trudeau, việc cảnh sát đeo camera trên người sẽ là  "bước đi quan trọng hướng tới sự minh bạch" và sẽ bắt đầu được triển khai tại Canada ngay từ tuần này.

Tuyên bố trên của Thủ tướng Trudeau được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người Canada những ngày gần đây đã xuống đường tuần hành để thể hiện tình đoàn kết với những người biểu tình ở Mỹ phản đối phân biệt chủng tộc và việc cảnh sát gây ra cái chết của công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd ở Minneapolis. Bản thân Thủ tướng Trudeau ngày 5/6 cũng tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bên ngoài văn phòng của ông ở thủ đô Ottawa.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner ngày 8/6 cam kết sẽ xóa sổ tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc trong giới cảnh sát.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông nhấn mạnh: "Sự phân biệt chủng tộc không có chỗ trong xã hội của chúng ta và càng không thể tồn tại trong lực lượng cảnh sát cộng hòa. Tôi sẽ không để các hành vi thù địch của một vài cá nhân nào đó hủy hoại thanh danh của tập thể".

Hôm 6/6, khoảng 23.300 người dân Pháp đã tham gia cuộc biểu tình "Black Lives Matter" để phản đối việc cảnh sát Mỹ gây ra cái chết của George Floyd. Vụ việc này đã gợi nhớ lại vụ việc tương tự xảy ra với Adama Traore - một nam công dân 24 tuổi, người Pháp da màu, tại Paris cách đây 4 năm.

Các nhà điều tra Pháp khi đó đã bác bỏ cáo buộc nhằm vào cảnh sát, khẳng định rằng Traore đã tử vong sau khi lên cơn đau tim do tiền sử bệnh nền. Tuy nhiên, một kết quả điều tra khác do gia đình của Traore yêu cầu thực hiện được công bố hồi đầu tuần này đã cho thấy nạn nhân tử vong sau khi nghẹt thở do hành động trấn áp của cảnh sát.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Castaner đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường đạo đức cảnh sát để củng cố niềm tin của dân chúng đối với lực lượng này. Ông nhấn mạnh phương pháp kẹp cổ bằng tay vốn thường được cảnh sát sử dụng để bắt giữ các đối tượng tình nghi nêu trên "sẽ bị cấm" và không được dạy trong các trường cảnh sát và hiến binh, do đây là một phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ông đồng thời khẳng định các cảnh sát bị nghi ngờ có các hành vi phân biệt chủng tộc (qua lời nói và hành động) sẽ bị đình chỉ công tác, đồng thời Pháp cũng sẽ đưa vào áp dụng camera giám sát gắn trên đồng phục cảnh sát và cải tổ sâu rộng công tác thanh tra của Bộ Nội vụ.

Trong số liệu công bố ngày 8/6, giới chức Pháp cho biết các đơn thư phàn nàn về lực lượng cảnh sát trong năm 2019 đã tăng 23,7% so với năm trước đó. Trong số này 1.460 đơn thư liên quan vấn đề điều tra tư pháp và 868 đơn thư liên quan "hành vi bạo lực cố ý"./.

>>> Kinh tế Canada cần ít nhất nửa năm để khởi động lại một cách an toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục