Cảng Chu Lai – điểm sáng phát triển kinh tế biển

18:25' - 23/08/2019
BNEWS Tàu SITC HEBEI tải trọng 22.000 tấn chở hàng hóa từ Hàn Quốc cập cảng Chu Lai ngày 23/8 đánh dấu cột mốc đáng ghi nhớ của cảng Chu Lai khi đây là lần đầu tiên cảng đón tàu có trọng tải lớn nhất.
Đón tàu tàu SITC HEBEI cập cảng Chu Lai

Năng lực lớn

Hãng tàu SITC là một trong những hãng vận tải biển hàng đầu Châu Á và thuộc top 10 hãng tàu lớn nhất thế giới. SITC kinh doanh dịch vụ logistics, vận chuyển container, giao nhận hàng hóa quốc tế, kho bãi, đại lý vận tải, vận tải hàng không…

Hiện nay, hãng đang khai thác 85 tàu với 64 tuyến vận chuyển đến 67 cảng lớn thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Indonesia, Singapore, Brunei và Malaysia.

Tàu SITC HEBEI cập cảng Chu Lai dài 172m, rộng 27, 6m, đang vận chuyển hàng của Công ty Cổ phần Thép  Hòa Phát, các doanh nghiệp trong KCN Tam Thăng  (tỉnh Quảng Nam), VSIP QuảngNgãi.

Đón tàu tàu SITC HEBEI cập cảng Chu Lai

Sau khi xếp dỡ hàng tại cảng Chu Lai,  tàu tiếp tục vận chuyển hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp miền Trung gồm hạt nhựa Opec, sợi, tinh bột sắn, két giàn nóng máy lạnh,…đến các cảng khác.

Lộ trình của tàu bao gồm Incheon (HànQuốc) - Thanh Đảo - Thượng Hải - Hồng Kông - Quảng Châu - Hải Phòng - Chu Lai - Đà Nẵng - Thâm Quyến - Hạ Môn rồi quay lại Incheon. Từ tháng 8/2016, Chu Lai Logistics (doanh nghiệp chủ quản của cảng Chu Lai) đã hợp tác với SITC khai trương tuyến hàng hải container quốc tế trực tiếp từ Hàn Quốc về cảng Chu Lai và ngược lại.

Từ đó đến nay, cảng Chu Lai đã liên tiếp đón các chuyến tàu SITC cập cảng với tần suất trung bình từ 1-2 chuyến/tuần.Trong thời gian tới, đội tàu SITC trọng tải lớn sẽ tiếp tục cập cảng Chu Lai với tần suất 1 chuyến/tuần.

Việc đón tàu có chiều dài và tải trọng lớn đã khẳng định năng lực của Chu LaiLogistics, mở ra cơ hội giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp đến các cảng biển lớn trên thế giới, thúc đẩy hoạt động xuất-nhập khẩu và logistics khu vực miền Trung Việt Nam.

Đón tàu tàu SITC HEBEI cập cảng Chu Lai

Trong thời gian tới, Chu Lai Logistics tiếp tục mở thêm các tuyến vận tải quốc tế, hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới để đẩy mạnh khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chu Lai, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên và Nam Lào, Bắc Campuchia.

Phát triển chiến lược

Phát triển cảng biển và các dịch vụ logistics là 1 trong 5 trụ cột kinh tế đóng vai trò quan trọng để đưa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành động lực phát triển cho toàn khu vực là“cửa ngõ’ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên và hành lang Đông- Tây trong quá trình hội nhập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế miền Trung.

Đón tàu tàu SITC HEBEI cập cảng Chu Lai

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cùng với mục tiêu phát triển cảng Chu Lai trở thành cảng loại I, trong thời gian qua, cảng đã không ngừng được mở rộng, nâng cấp về quy mô, chất lượng dịch vụ. Tháng 3/2019, Chu Lai Logistics đã khởi công xây dựng bến cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn với chiều dài bến cảng mở rộng là 790m.

Đồng thời, Chu Lai Logistics tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận chuyển, xếp dỡ, mở  rộng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọn gói, tiết giảm chi phí và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho khách hàng; phát triển thêm các dịch vụ vận chuyển phục vụ các ngành nghề sản xuất kinh doanh mới. Đặc biệt là vận tải nông sản xuất khẩu.

Hiện nay, Chu Lai Logistics là một trong những trung tâm giao nhận - vận chuyển lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao và đa dạng của các doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên./.

Xem thêm:

>>Khởi công mở rộng cảng hàng hải quốc tế Chu Lai - Trường Hải

>>Khởi công KCN nông – lâm nghiệp và khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai mở rộng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục