Căng thẳng Mỹ-Trung: Đông Nam Á khó giữ vai trò trung lập

06:30' - 28/11/2018
BNEWS Cục diện đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài sẽ buộc các nước Đông Nam Á phải chọn chỗ đứng, khó có thể tiếp tục giữ vai trò trung lập của mình trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Trước những diễn biến căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore đăng bài viết nhận định rằng, kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, các nước Đông Nam Á luôn tìm mọi cách để tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Tuy nhiên, chính sách của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay khiến cho các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á khó có tiếp tục giữ vững vị trí trung lập. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa qua liên tục "ra đòn" tấn công Trung Quốc tại các hội nghị quốc tế.

Ngoài việc kêu gọi các nước không nên nhận các khoản tài trợ từ Trung Quốc để tránh rơi vào “bẫy nợ”, ông Mike Pence còn lớn tiếng khẳng định nếu Bắc Kinh không chấp nhận các yêu cầu và thay đổi hành vi kinh tế, quân sự thì Washington sẽ triển khai một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện để chống lại. Điều này cho thấy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ chưa thể kết thúc, và đây cũng chính là mối lo ngại đối với các quốc gia trong khu vực vốn có nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. 

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Jonathan Pryke thuộc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Lowy (Australia) cho rằng khẩu khí và cách dùng từ của Phó Tổng thống Pence khiến mọi người cảm thấy rất lo ngại. Cục diện địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương đang nghiêng về hướng “một mất, một còn”, hy vọng hai nước Mỹ-Trung đạt được hòa giải đã trở nên rất xa vời. 

Việc Tổng thống Mỹ không xuất hiện tại các hội nghị cấp cao của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vừa qua mà chỉ cử cấp phó của mình đến dự, cùng với việc các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây không ra được tuyên bố chung… cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tới đây tại Argentina sẽ khó đạt được thỏa thuận mang tính thực chất, giúp hóa giải căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Báo Liên hợp Buổi sáng nhấn mạnh rằng những nền kinh tế có quy mô tương đối nhỏ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ trước đến nay luôn tìm cách cân bằng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Một mặt thúc đẩy mở rộng giao thương mậu dịch với Trung Quốc, một mặt dựa vào Mỹ để kiềm chế Bắc Kinh khuếch trương sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền tại khu vực. 

Tuy nhiên, cùng với những diễn biến căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á có khả năng sẽ buộc phải chọn bên đứng, ngả về phía Mỹ hay ủng hộ Trung Quốc. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuần trước cũng từng phát biểu bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này. 

Ở góc độ khác liên quan, khi phân tích về chiến lược cạnh tranh và lôi kéo các quốc gia tại khu vực đứng về phía mình của Mỹ và Trung Quốc, Giáo sư Minxin Pei thuộc Trường Cao đẳng Claremont McKenna (Mỹ) cho rằng Washington hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các đồng minh tại khu vực như Nhật Bản, Australia và hòn đảo Đài Loan, song cũng biết rõ rằng một số nước khác gồm Philippines và Hàn Quốc sẽ cố gắng tìm mọi cách để tránh làm phật ý Bắc Kinh. 

Theo ông Minxin Pei, không một quốc gia Đông Nam Á nào muốn "gây thù chuốc oán" với Trung Quốc. Do vậy, cả Washington và Bắc Kinh trong những năm tới đây sẽ phải nỗ lực tìm mọi cách để lôi kéo các nước trong khu vực đứng về phía mình. 

Cùng quan điểm, Giáo sư Quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc cũng cho rằng va chạm Mỹ-Trung gia tăng sẽ khiến Trung Quốc phải thay đổi thái độ đối với các nước láng giềng, Bắc Kinh đang nỗ lực tìm mọi cách để có được ngày càng nhiều nước bạn bè ủng hộ mình. 

Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình thời gian gần đây liên tục có các động thái ngoại giao gây chú ý như đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang thăm Bắc Kinh; thăm cấp nhà nước tới Papua New Guinea, Brunei và Philippines, kết hợp dự Hội nghị cấp cao APEC… 

Ngược lại, phía Mỹ cũng liên tục có các động thái lôi kéo và "lấy lòng" các quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi phát biểu tại Hội nghị cấp cao APEC đã công bố Washington sẽ cùng với các đồng minh chủ chốt tại khu vực thực hiện kế hoạch trị giá 1,7 tỷ USD cung cấp hệ thống điện và Internet cho Papua New Guinea. Thêm vào đó, ông cho biết Mỹ và Australia sẽ phối hợp xây dựng một căn cứ hải quân mới tại Papua New Guinea. 

Báo Liên hợp Buổi sáng kết luận: đại đa số ý kiến của giới quan sát đều cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không thể kết thúc trong "một sớm một chiều". Đúng như nhận định của Giáo sư Kunihiko Miyake thuộc trường Đại học Ritsumeikan của Nhật Bản, chiến tranh thương mại là một chương mới trong cuộc chiến tranh bá giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất luận chúng ta hình dung ra sao, nhưng nó sẽ diễn biến thành cuộc chiến tranh lạnh giữa hai bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục