Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh: Chưa có dấu hiệu cải thiện

08:16' - 25/07/2017
BNEWS Bất chấp các nỗ lực vãn hồi của cộng đồng quốc tế, căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa các nước Arab và Qatar vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh: Chưa có dấu hiệu cải thiện. Ảnh minh họa: reuters

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 25/7, Saudi Arabia và các nước đồng minh đã thông báo "danh sách đen" gồm các nhóm hoạt động nhân đạo và các cá nhân có mối liên hệ với Yemen, Qatar và Libya, liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố" do có các quan hệ mờ ám với Hồi giáo cực đoan.

Các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã ra tuyên bố chung, nêu rõ 9 tổ chức từ thiện và 9 cá nhân "có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các nhà chức trách Qatar" là "khủng bố".

Trong số này, 3 tổ chức ở Yemen và 6 tổ chức có trụ sở tại Libya đã bị cáo buộc có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và một nhánh của tổ chức này tại Syria.

Ngoài ra, 3 công dân Qatar, 3 người Yemen, 2 người Libya và 1 công dân Kuwait cũng bị coi là khủng bố do liên qua tới hoạt động "gây quỹ ủng hộ Jabhat al-Nusra và nhiều phần tử khủng bố ở Syria".

Hồi tháng trước, 4 quốc gia Arab nói trên đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar, triệu hồi các đại sứ của họ tại Doha, đồng thời đóng cửa không phận với Qatar và yêu cầu các công dân Qatar hồi hương.

Các nước trên chỉ trích Qatar ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, song Doha kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Các nước Arab vùng Vịnh đã áp đặt trừng phạt Qatar từ tháng trước, đồng thời đưa ra bản yêu cầu gồm 13 điểm mà Doha cần thực hiện để giải quyết căng thẳng ngoại giao hiện nay.

Kuwait không tham gia cùng các nước trên trong "chiến dịch tẩy chay" Qatar, mà ngược lại còn đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm tháo ngòi căng thẳng tại vùng Vịnh - cuộc khủng hoảng ngoại giao được nhận định là tồi tệ nhất ở khu vực này, kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh(GCC) được thành lập năm 1981.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục