Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải

08:58' - 25/07/2017
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/7 tuyên bố Moskva sẵn sàng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Qatar nếu nhận được yêu cầu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rudaw của người Kurd tại Iraq, ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực trung gian mà Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah đang thực hiện. 

Nếu trong khuôn khổ những nỗ lực này hoặc nếu tất cả các bên đều cho rằng Nga có thể làm điều gì đó có lợi, chúng tôi sẵn sàng hưởng ứng những lời kêu gọi như thế”. 

Theo ông Sergei Lavrov, hiện Moskva đang tiếp xúc với tất cả các bên trong cuộc xung đột này và mong giải quyết khủng hoảng trên cơ sở tính đến những lo ngại của nhau, tìm được những giải pháp mà các bên cùng chấp nhận được. 

Moskva hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước trên thế giới kể cả Mỹ, Pháp và Anh nhằm bình thường hóa quan hệ tại Vịnh Persian, ngăn chặn nguy cơ khu vực rơi vào khủng hoảng triền miên. 

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã rời Qatar, kết thúc chuyến thăm vùng Vịnh trong nỗ lực hòa giải căng thẳng, song không đạt đột phá. 

Ankara là đồng minh mạnh nhất của Qatar trong cuộc tranh cãi ngoại giao hiện nay và đã thông qua một đạo luật điều binh sĩ tới căn cứ của mình tại Doha như một dấu hiệu khẳng định sẽ sát cánh bên Qatar trong mọi hoàn cảnh. 

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani cho biết trong cuộc đàm phán với ông Erdogan, hai bên đã cùng xem xét lại các diễn biến khu vực, cũng như các nỗ lực nhằm kiềm chế căng thẳng và giải quyết thông qua đối thoại.

Hãng thông tấn nhà nước của Qatar (QNA) cho biết cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bàn về các nỗ lực chung chống khủng bố và tổng kết hợp tác quốc phòng và kinh tế giữa hai nước.

Ông Erdogan là quan chức cấp cao mới nhất công du khu vực nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại đây kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập năm 1981.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức cũng đã tới khu vực này trong tuần gần đây. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu căng thẳng sẽ sớm được hạ nhiệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục