Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lại tăng nhiệt

14:25' - 18/09/2018
BNEWS Ngày 17/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thổi bùng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khi ông công bố kế hoạch áp thuế 10% lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Động thái mới này khiến giới phân tích khá quan ngại khi chỉ mới tuần trước những hy vọng "hạ nhiệt ” trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế vừa lóe lên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Gập ghềnh con đường đàm phán

Hồi đầu tháng Chín vừa qua, Mỹ đã kết thúc đợt tham vấn công chúng về việc áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi đã áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trước đó.

Việc Tổng thống Mỹ Trump không lập tức thực hiện biện pháp áp thuế bổ sung, thậm chí Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn chủ động mời phía Trung Quốc trở lại đàm phán thương mại (Bắc Kinh cũng xác nhận việc này) đã phần nào làm dấy lên tia hy vọng.

Theo một số nguồn thân cận, cuộc đối thoại giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Mnuchin dự kiến sẽ diễn ra tại Washington từ 27-28/9. Nếu tình hình diễn ra thuận lợi, ông Lưu Hạc còn có thể gặp Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đến ngày 17/9, Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân rằng biện pháp thuế quan giúp Mỹ giành ưu thế lớn để mặc cả trên bàn đàm phán. Và chính quyền Mỹ thông báo sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 24/9 tới, sau đó từ 1/1/2019 sẽ nâng lên 25%.

Đòn áp thuế bổ sung mới nhất của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có thể làm đổ vỡ những nỗ lực nêu trên. Theo kế hoạch, ngày 18/9, Phó Thủ tướng Lưu Hạc triệu tập một cuộc họp để thảo luận về cách thức đối phó của Bắc Kinh đối với quyết định áp thuế của Mỹ.

Chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của cả chính Mỹ và Trung Quốc, cũng như gây phương hại cho nền kinh tế toàn cầu - là tuyên bố mà Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đưa ra tại cuộc gặp các đại diện của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc và được đăng tải trên trang web của Bộ ngày 18/9.

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với đại diện của 6 tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc, Bộ trưởng Chung Sơn khẳng định không có bên nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, đồng thời nhấn mạnh hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất.

Ông cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính sách mở cửa và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn cho các công ty.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đại diện của các công ty nước ngoài, trong đó có Samsung Electronics, Toyota Motor, HSBC, Cohen, tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và hợp tác tại Trung Quốc.

Ra đòn "ăn miếng trả miếng"

Với việc áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa trước đó, động thái mới nhất của Tổng thống Trump đồng nghĩa với khoảng một nửa số hàng hóa người Mỹ mua từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế quan trừng phạt. Toàn bộ các ngành công nghiệp của Mỹ cũng đều sẽ bị tác động, bao gồm nông nghiệp, chế tạo, dệt may và bán lẻ.

Hồi tháng Bảy và Tám, vòng áp thuế “khiêm tốn” trị giá 50 tỷ USD của Washington nhằm vào các sản phẩm như bộ phận máy bay, ổ cứng máy tính, máy móc và thiết bị, thiết bị quang học, dụng cụ phẫu thuật, và ô tô. Đây là những mặt hàng mà Mỹ cho rằng đã hưởng lợi từ những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Nhưng thông báo ngày 17/9 đã đẩy tình hình lên một cấp độ mới. Những hàng hóa được áp thuế lần này đa số đều xuất hiện trong một danh sách sơ bộ được công bố vào tháng Bảy. Trong đó Washington nhắm mục tiêu vào 8,4 tỷ USD hàng hóa trong ngành nhựa, 64,8 tỷ USD trong máy móc điện tử, 55,1 tỷ USD hàng hóa ngành thiết bị và 25,8 tỷ USD sản phẩm nội thất, bên cạnh một loạt các sản phẩm ngành hải sản và thịt khác.

Ngay lập tức Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ - đã tuyên bố sẽ “phản công” với kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, đồng nghĩa với việc khoảng 80% hàng xuất khẩu của Mỹ sang nước này sẽ phải chịu thuế trừng phạt.

Để trả đũa cho động thái áp thuế trước đó của Mỹ, Trung Quốc trong tháng Bảy đã tiến hành áp thuế đối với nông sản và ô tô của Mỹ.

Các sản phẩm cũng “vạ lây” bao gồm các loại xe hybrid (chạy bằng xăng và điện), than, nhựa đường, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), xe máy....

Mặt hàng bị ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là đậu tương của Mỹ, khi Trung Quốc là một trong những thị trường chủ chốt của người nông dân nước này. Trong năm 2017, Mỹ đã xuất khẩu sang Trung Quốc lượng đậu tương trị giá 14 tỷ USD.

Trong gần 5 năm qua, lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc đã tăng gần 500%. Điều này dẫn đến việc vào năm 2017, cứ mỗi 5 USD mà các nhà xuất khẩu của Mỹ thu được, có 1 USD đến từ người tiêu dùng Trung Quốc. Nếu các động thái áp thuế quan trả đũa không dừng lại, các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất.

Công nhân chế biến hoa quả đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 8/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Lạc quan thận trọng

Nếu để ý, việc thông báo áp thuế là một chiêu thức quen thuộc mà phía Mỹ hay thực hiện kể từ khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang: Trước đàm phán thường tuyên bố gia tăng biện pháp trừng phạt để gây sức ép với đối phương.

Gần đây nhất là trước cuộc gặp giữa Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn và Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass từ 22-23/8, phía Mỹ đe dọa sẽ nâng mức áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Song một số nhà phân tích cho rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung dù có diễn ra cũng khó lạc quan về khả năng thành công. Theo chuyên gia về Trung Quốc và khu vực châu Á Naomi Wilson thuộc Hội đồng Công nghiệp công nghệ thông tin Mỹ, đó là do hiện nay Văn phòng Đại diện thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ không có chung mục tiêu và sách lược đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dù các quan chức Mỹ nói rằng tác động của chính sách áp thuế sẽ là tối thiểu, họ cũng tỏ ra ý thức được việc các doanh nghiệp Mỹ cần có thời gian để tìm kiếm nhà cung cấp thay thế trước khi chính sách thuế quan có hiệu lực.

Trong một nỗ lực hơn nữa giảm thiểu tác động của chính sách thuế, Washington đã hủy kế hoạch áp thuế lên khoảng 300 loại sản phẩm, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng như đồng hồ thông minh và thiết bị hỗ trợ Bluetooth, hóa chất cho sản xuất, nông nghiệp và dệt may, cũng như mũ bảo hiểm xe đạp và các sản phẩm cho trẻ em.

>>>Chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ gây hại cho kinh tế toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục