“Canh bạc" đầy rủi ro của châu Âu

06:30' - 26/08/2024
BNEWS Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, mang đến những thách thức lớn và rủi ro tiềm ẩn.
Trước ý định của châu Âu nhằm áp đặt các mức thuế mới đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, một số chuyên gia trong ngành ô tô bày tỏ lo ngại, đồng thời thừa nhận rằng sự cạnh tranh có thể đã bị tác động theo hướng không công bằng.

Cuộc đối đầu giữa châu Âu và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại tiếp tục leo thang. Khi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc, với lý do rằng những chiếc xe này được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của nhà nước làm méo mó cạnh tranh, các nhà sản xuất châu Âu tỏ ra cảnh giác.

Tại Bỉ, ông Michel Martens, Giám đốc phụ trách các vấn đề công của Liên đoàn các nhà sản xuất ô tô (FEBIAC), cảnh báo: "Đây là một vấn đề phức tạp". FEBIAC đại diện cho cả các nhà sản xuất ô tô châu Âu và nước ngoài, trong đó có nhiều thương hiệu Mỹ và Trung Quốc.

"Chúng tôi không ủng hộ việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu để ngăn chặn sự tự do lưu thông hàng hóa, trừ khi có bằng chứng cho thấy một số quốc gia trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp nội địa của họ", ông Martens nói. "Có nghi ngờ rằng Trung Quốc đang sử dụng những biện pháp này, thậm chí đối với cả các thương hiệu nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc như Tesla. Vì vậy, cần đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia trên thị trường châu Âu hoặc Bỉ đều có thể cạnh tranh công bằng. Cần có các cơ quan độc lập để phân xử", ông nhận định.

 
Tuy nhiên, Giám đốc Michel Martens cũng nhắc lại rằng có những khoản trợ cấp ở châu Âu và đặc biệt là ở Bỉ để giảm chi phí lao động trong ngành lắp ráp ô tô tại Bỉ. Đây là một con dao hai lưỡi.

Thiệt hại trên quy mô toàn cầu

Nhiều nhà sản xuất ô tô đã hợp nhất thành các tập đoàn lớn trong những năm gần đây, như Stellantis (Peugeot, Citroën, Fiat, Chrysler) hay Volkswagen (VW, Porsche, Audi, Lamborghini...). Những tập đoàn này, hoạt động trên toàn cầu, có thể chịu thiệt hại từ chủ nghĩa bảo hộ quá mức và cuộc chiến thương mại.

"Đây là một cuộc chiến giữa các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, những bên đôi khi có cổ phần lẫn nhau. Và một số nhà sản xuất trong số này cần thị trường châu Á để củng cố tăng trưởng của mình. Người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích các thương hiệu cao cấp của Đức, chẳng hạn như Volkswagen, mặc dù điều này đã thay đổi phần nào tại Trung Quốc", ông nói.

Ông Martens cảnh báo: "Đây là vấn đề rất nhạy cảm và cần nghiên cứu hậu quả. Tôi hy vọng rằng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xem xét điều này. Chúng ta cần bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp châu Âu trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc".

Nếu việc cấm bán động cơ đốt trong để ủng hộ xe điện ở châu Âu vào năm 2035 có thể "thúc đẩy" thị trường ô tô thông qua việc thay thế phương tiện, không có gì chắc chắn rằng các nhà sản xuất châu Âu sẽ thắng lớn. Đây cũng là lý do mà EC đang điều tra các hoạt động của Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất của mình.

Giám đốc Michel Martens nhấn mạnh: "Cần tránh những ưu đãi trực tiếp làm sai lệch cạnh tranh. Chúng ta cần một sân chơi công bằng". Trong khi Đức, với sự hiện diện mạnh mẽ ở Trung Quốc, tỏ ra miễn cưỡng áp đặt thêm các mức thuế, thì Pháp cũng vậy, dù lập trường của họ đôi khi có phần thận trọng hơn. Giám đốc điều hành Stellantis Carlos Tavares vào tháng Năm vừa qua đã tuyên bố rằng đó là "một cái bẫy lớn đối với các quốc gia đi theo con đường này", mặc dù trước đây thương hiệu này có xu hướng bảo hộ hơn.

Đại diện FEBIAC cho biết: "Với tư cách là FEBIAC, chúng tôi không thể đứng về phía những phản ứng mang tính quốc gia hay lục địa được đề xuất bởi một số thương hiệu. Về lâu dài, điều đó có thể gây hại”.

Ngành công nghiệp châu Âu có thể tồn tại?

Trước sự suy thoái của thị trường, các mục tiêu khí hậu và sự cạnh tranh cực kỳ mạnh mẽ từ châu Á về giá cả, liệu ngành công nghiệp châu Âu, vốn là một “gã khổng lồ" lịch sử, có thể tồn tại trong tương lai? Nhiều thương hiệu lớn, như Volvo và MG, đã bị các công ty Trung Quốc mua lại.

"Ngành công nghiệp có thể sống sót. Tôi tin rằng cần tiếp tục đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển), đồng thời tìm kiếm các giải pháp để đạt được các mục tiêu về khí thải carbon, cũng như điện khí hóa phương tiện", Giám đốc Michel Martens nhận định.

"Nếu ngành công nghiệp châu Âu có thể tự sản xuất pin tại châu Âu, tái chế tối đa để không quá phụ thuộc vào các nhà sản xuất nguyên liệu, và phát triển một ngành công nghiệp khai thác thực sự tại châu Âu, điều đó là khả thi. Nhưng cần có một chính sách công nghiệp thực sự ở cấp độ này để có thể tham gia cuộc chơi", ông kết luận. Đây là một thách thức không nhỏ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, mang đến những thách thức lớn và rủi ro tiềm ẩn. Mặc dù việc bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất trong nước là cần thiết, châu Âu cần cân nhắc kỹ để không rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa bảo hộ quá mức.

Điều quan trọng là phải duy trì một sân chơi bình đẳng, nơi các doanh nghiệp có thể cạnh tranh công bằng. Để vượt qua thách thức này, ngành công nghiệp châu Âu cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời xây dựng một chính sách công nghiệp bền vững và tự chủ hơn. Chỉ khi đó, châu Âu mới có thể bảo vệ và củng cố vị thế của mình trong thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục