Cảnh báo giả mạo website, tin nhắn, tổng đài ngân hàng để lừa đảo

09:49' - 02/03/2020
BNEWS Trước những hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản, nhiều ngân hàng đã liên tiếp lên tiếng cảnh báo.
Giao diện ngân hàng điện tử VCB – iB@nking của Vietcombank.
Theo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), gần đây, trên internet xuất hiện nhiều website giả mạo Vietcombank như: vietcombankwubank.weebly.com; vietcombankvnk.weebly.com; vietcombank-dv-nhanh.weebly.com; ngan-hang-vcb-online-247-nhan-tien-quoc-te.weebly.com…

Mục đích của đối tượng lừa đảo là thông qua các website này để lấy cắp thông tin sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Tương tự, cảnh báo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho hay đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn có chứa "Mã trúng thưởng" kèm đường link giả mạo với tên miền có gắn tên của ngân hàng, chẳng hạn "Sacombanktrian.com", để đánh lừa khách hàng.

Chiêu thức thường dùng của những đối tượng này là giả danh cán bộ ngân hàng thông báo khách hàng đã trúng thưởng theo chương trình của ngân hàng hoặc khách hàng nhận được tiền từ nước ngoài về và yêu cầu truy cập vào đường link giả mạo như trên để cung cấp các thông tin về: tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã OTP, thông tin thẻ hoặc các thông tin cá nhân khác để xác nhận.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng các chiêu thức lừa đảo trên để yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng hay mở file có chứa virus... để phát tán mã độc nhằm đánh cắp thông tin đăng nhập, mật khẩu, OTP sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản (đặc biệt đối với các khách hàng sử dụng điện thoại hệ điều hành Android).

Do đó, khách hàng tuyệt đối không đăng nhập tài khoản ngân hàng điện tử từ các website và ứng dụng lạ; không tiết lộ tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập, mã PIN, mã OTP, số thẻ, số tài khoản cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng, website, đường link lạ…

Để đảm bảo an toàn cho tài khoản trực tuyến, khách hàng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến (tối thiểu định kỳ 3 tháng/ lần) và không sử dụng mật khẩu có chứa thông tin mang tính cá nhân mà người khác dễ dàng suy đoán như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe, tên bản thân, tên của người thân như vợ chồng/con, dãy số liên tục đơn giản như 1234567…

Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng cảnh báo khách hàng về hiện tượng giả mạo tổng đài của ngân hàng. Cụ thể, khi khách hàng thực hiện lệnh tìm kiếm số hotline Techcombank trên các công cụ tìm kiếm Google, Yahoo… sẽ tra được nhiều kết quả có đầu số 1900xxxx.

Techcombank khẳng định đây không phải đầu số tổng đài của ngân hàng. Hiện nay, tổng đài hỗ trợ 24/7 của Techcombank là các số hotline: 1800 588 822 (miễn phí), hoặc 0084 24 3944 6699 (gọi từ nước ngoài, có tính phí). Thông tin này được đăng trên website chính thức https://www.techcombank.com.vn/ và được in ở mặt sau của thẻ tín dụng Techcombank.

Vì vậy, để phòng tránh các hình thức giả mạo lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, hoặc trục lợi từ cước phí cuộc gọi, Techcombank lưu ý khách hàng kiểm tra thật kỹ thông tin của đầu số, xác định chính xác đầu số trước khi gọi điện, không cung cấp các thông tin cá nhân cũng như các thông tin bảo mật tài khoản cá nhân cho các đầu số giả mạo.

Các ngân hàng khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập dịch vụ, mã xác thực giao dịch hoặc bất kỳ thông tin cá nhân của khách hàng dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin như trên nếu có đều là giả mạo.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, khách hàng cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đồng thời thông báo cho ngân hàng theo số hotline hoặc điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục