Cao Bằng mở rộng diện tích trồng cây dẻ Trùng Khánh

09:20' - 26/09/2021
BNEWS Cao Bằng xác định từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất cây dẻ tại huyện Trùng Khánh với quy mô lên tới 1.000 ha.
Hạt dẻ Trùng Khánh là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Nhằm phát huy thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của loại cây này, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp mở rộng diện tích trồng cây dẻ. Tỉnh xác định từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất cây dẻ tại huyện Trùng Khánh với quy mô lên tới 1.000 ha.
Nguồn kinh phí thực hiện dự kiến là trên 68 tỷ đồng, được lấy nguồn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương, vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia, kêu gọi đầu tư.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Cao Bằng phấn đấu phát triển diện tích trồng mới 900 ha, cải tạo, trồng thay thế 100 ha diện tích dẻ hiện có. Giai đoạn 2026-2025, huyện Trùng Khánh hoàn thành mục tiêu tập trung ruộng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai vùng trồng dẻ. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản; xây dựng được nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản hạt dẻ.
Ông Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết, để hoàn thành mục tiêu, huyện xác định mở rộng diện tích cây dẻ trong vùng sản xuất tập trung tại các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Phong Châu, Đàm Thủy, Ngọc Khê và thị trấn Trùng Khánh đạt 25 ha/năm.
Mỗi xã xây dựng ít nhất 1 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông dân; khai thác 1 mô hình du lịch nông nghiệp trên cơ sở mở rộng diện tích sản xuất, song song với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường và phát triển du lịch…
Bên cạnh đó,Trùng Khánh cũng đã tổ chức khảo sát địa điểm xây dựng vườn ươm để chọn cây giống tốt, đảm bảo năng suất vườn ươm; tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP cho người dân; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng thương hiệu và khai thác sử dụng có hiệu quả chỉ dẫn địa lý của hạt dẻ Trùng Khánh đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Về giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Cao Bằng xây dựng chuỗi liên kết, kênh bán hàng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị; tổ chức đưa sản phẩm tham gia sàn giao dịch nông sản trong tỉnh và một số thành phố lớn; quảng bá thương hiệu gắn với du lịch.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm từ cây dẻ…/.

>>>Chậm bố trí vốn, trồng rừng ở Cao Bằng đạt tỷ lệ thấp


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục