Cập nhật COVID-19 sáng 14/5: Thế giới diễn biến trái chiều, Việt Nam 0 ca mới

06:30' - 14/05/2020
BNEWS Dịch COVID-19 trên thế giới có nhiều diễn biến trái chiều. Việt Nam không có ca mắc mới, 13.719 người đang được cách ly theo dõi.

Cập nhật mới nhất COVID-19 trên theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 14/5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm đã ở mức 4.422.174 ca, trong đó có 297.552 ca tử vong. Số ca phục hồi đã tăng lên 1.654.819 ca.

So với sáng qua, thế giới có thêm 84.710 người nhiễm mới SARS-CoV-2 và 5.101 người tử vong vì bệnh COVID-19 do virus này gây ra.

Tại Việt Nam, cập nhật sáng 14/5, Việt Nam không có ca mắc mới, 13.719 người đang được cách ly theo dõi. Hiện Việt Nam có 288 ca mắc COVID-19.

Thông tin về các ca bệnh nặng mắc COVID, hiện kết quả CT scan phổi cho thấy, hai phổi của nam phi công (bệnh nhân 91) đã xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Bệnh nhân 19 tập đi những bước đầu tiên sau hơn 2 tháng nằm một chỗ...

>>> Thông tin ca bệnh nặng COVID-19: Đã tìm thấy người thân của BN 91, BN 19 đang tập đi

DIỄN BIẾN NỔI BẬT VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Ngày 13/5, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tuyên bố các gói chi tiêu nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dù tốn kém nhưng phù hợp khi giúp Mỹ tránh được tổn hại kinh tế nghiêm trọng hơn.
Do đó, Mỹ sẽ cần thêm các chính sách để ứng phó với nguy cơ này, bao gồm gói chi tiêu gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.

* Chính quyền Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới đến tháng 7, trong một động thái nhằm tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tây Ban Nha đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa đối với người dân khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, song vẫn tiếp tục áp đặt quy định cách ly hai tuần đối với người nhập cảnh và duy trì quy định đóng cửa biên giới trên không và trên biển nhằm ngăn chặn các ca bệnh "nhập khẩu" mới từ nước khác. Các biện pháp cách ly sẽ hết hiệu lực vào ngày 24/5, khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.

* Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner ngày 13/5 cho biết nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới với Đức cho đến ngày 15/6 dù đã có một số nới lỏng nhằm hỗ trợ cuộc sống thường nhật của những người thường xuyên phải đi qua biên giới.

* Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết hiện không có kế hoạch mở lại biên giới với Italy. Tuy nhiên, Chính phủ Áo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế giao thông từ ngày 15/5 và dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới với Đức từ ngày 15/6 tới.

*Ngày 13/5, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới.

Đáng chú ý, cả 2 ca này đều không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hiện chính quyền đang nỗ lực truy vết để tìm nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc ngày 13/5 đã áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại của người dân nhằm ngăn chặn dịch tái bùng phát, sau khi địa phương này ghi nhận 6 ca mới trong ngày 12/5.

Trung Quốc đang tiến hành hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, trong đó có Canada, nhằm điều chế thuốc và vaccine phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

*Nga đã có thêm 10.028 ca mắc mới COVID-19 và 96 ca tử vong trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên 242.271 và 2.212 ca.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 13/5 thông báo favipiravir, một loại thuốc được cho là có thể điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã cho kết quả hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu ở nước này.
60% trong số 40 bệnh nhân COVID-19 được sử dụng thuốc favipiravir đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau 5 ngày.

*Cùng ngày, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 26 ca nhiễm mới trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập ổ dịch mới phát hiện liên quan tới các quán bar và câu lạc bộ ở Seoul.

Đây cũng ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới nhiều hơn số ca hồi phục và vẫn ở mức hai con số, làm gia tăng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện tại quốc gia này.

*Ở chiều hướng ngược lại, Thái Lan ngày 13/5 lần đầu tiên xác nhận không ghi nhận ca nhiễm mới theo ngày trong hai tháng qua, đồng thời không có thêm ca tử vong nào trong 24 giờ qua.

*Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với 1.997 ca và 353 ca tương ứng. Tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, với 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì. 

*Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này ghi nhận thêm 698 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cũng là ngày có số ca nhiễm mới nhiều nhất ở nước này kể từ đầu dịch.

*Theo giới chuyên gia cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Áchâu Âu có nguy cơ đối mặt với làn sóng tái bùng phát dịch nếu mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm, trước khi thực hiện các biện pháp diện rộng nhằm nhanh chóng xác định và kiểm soát được các ca nhiễm mới.

*Nhằm tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân COVID-19, nhóm nhà khoa học Australia bắt đầu tiến hành một nghiên cứu về các khu chăm sóc tích cực (ICU) trên toàn cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục