Cập nhật COVID-19 tối 7/5: Nga vượt Đức và Pháp về số ca nhiễm
Theo thống kế của hãng tin AFP (Pháp), tính đến 16h10 ngày 7/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt mốc 150.000 người, hầu hết ở Anh, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Theo hãng tin của Pháp, với tổng cộng 150.138 ca tử vong vì dịch bệnh trên tổng số 1.640.799 ca mắc, châu Âu hiện là châu lục chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh vốn đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 263.573 người trên toàn thế giới.
-Anh đứng đầu châu Âu về số ca tử vong với 30.076 ca, tiếp đến lần lượt là Italy với 29.684 ca, Tây Ban Nha với 26.070 ca và Pháp với 25.809 ca.
Trong một diễn biến tích cực, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 7/5 thông báo số ca tử vong do COVID-19 trong ngày tại nước này tiếp tục giảm sau khi ghi nhận 213 trường hợp, giảm hơn 30 ca so với mức 244 ca được ghi nhận một ngày trước đó.
Tính tới ngày 7/5, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 221.447 ca mắc COVID-19, tăng từ mức 220.325 người một ngày trước đó.
-Điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu hiện nay là Nga. Ngày 7/5, sau ghi thông báo cố ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay là 11.231 ca, quốc gia này chính thức vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 thế giới với 177.160 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 7/5, phát biểu trong chương trình thời sự trực tiếp của kênh truyền hình Russia 24, Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế của thủ đô Nga có thể đạt 2-2,5% dân số thành phố, tức là tương đương khoảng 300 nghìn trường hợp. Hiện thủ đô Moskva là tâm dịch của Nga với 92.676 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
-Trong khi đó, nổi lên tại châu Âu trong thời gian qua với những biện pháp phòng chống dịch tích cực và hiệu quả cùng hệ thống y tế vững chắc trước đại dịch, Đức đang thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong ngày 7/5, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lars Schaade cảnh báo nước này có thể đối mặt với một đợt tái bùng phát dịch bệnh trước mùa Thu (khoảng từ tháng 9 đến tháng 11). Nguy cơ này có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào hành vi của người dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch RKI cho biết số ca nhiễm mới đang giảm nhưng không phải dấu hiệu báo hết nguy hiểm đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel, Helge Braun nhận định dù đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế nhưng nước Đức hiện vẫn chưa thoát khỏi đại dịch mà đang trong giai đoạn giữa của đại dịch.
-Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Canada, Jean-Yves Duclos ngày 6/5 cho biết quân đội nước này đã điều động 760 lính đến hỗ trợ 13 cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại hai tỉnh bang Ontario và Quebec.
Tính đến ngày 5/5, số trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Canada đã vượt 4.100 người.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada, bà Theresa Tam cho biết, 79% số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Canada liên quan đến dịch bùng phát tại các nhà dưỡng lão.
- Trong một nỗ lực duy trì các kế hoạch quan trọng khi dịch bệnh hoành hành và chưa rõ khi nào sẽ kết thúc, Hạ viện Ba Lan (Sejm) ngày 7/5 thông qua dự luật do chính phủ nước này đề xuất, qua đó cho phép cuộc bầu cử tổng thống được thực hiện bằng cách bỏ phiếu qua đường bưu điện. Cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 10/5 tới.
- Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Chính phủ Peru mới đây phê duyệt bổ sung một khoản trợ cấp lên đến 720 sol (khoảng 215 USD) cho các sĩ quan cảnh sát, quân nhân và các nhân viên thuộc Cơ quan quản lý trại giam quốc gia (INPE) nhằm bù đắp cho những nỗ lực của họ trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
- Tại châu Á, Bộ Y tế Lào cho biết tính đến chiều 6/5, nước này vẫn chỉ có 19 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ngày nước này không có bệnh nhân mới lên 25 ngày liên tiếp. Hiện 10 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Theo quy định của Lào, mọi công dân, kể cả công dân Lào khi nhập cảnh vào nước này đều phải được lấy mẫu xét nghiệm dù có triệu chứng hay không, đồng thời phải thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày. Với bất cứ ai có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa vào bệnh viện để theo dõi.
-Tại Thái Lan, nước này tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới ở mức thấp. Ngày 7/5, giới chức Thái Lan xác nhận 3 ca nhiễm mới nhưng không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong. Đến nay, Thái Lan có tổng cộng 2.992 ca bệnh, trong đó 55 trường hợp tử vong.
Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết giai đoạn 2 của tiến trình nới lỏng phong tỏa sẽ bắt đầu từ 17/5 nếu số lượng các ca nhiễm mới không tăng và dự kiến sẽ liên quan đến các doanh nghiệp lớn và việc tụ tập đông người.
Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện số lượng ca mắc mới trong tầm kiểm soát. Quốc gia Đông Nam Á này từ ngày 3/5 đã bắt đầu giai đoạn 1 nới lỏng, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5.
- Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Philippines ngày 7/5 lại ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới.
Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này có thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 6.467 người. Tuy nhiên, Malaysia không ghi nhận thêm ca tử vong và tổng số ca tử vong vẫn là 107 người.
Indonesia thông báo 338 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh tại nước này lên 12.776 người. Nước này cũng ghi nhận thêm 35 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên thành 930 người.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 339 ca nhiễm, theo đó tổng số ca bệnh ở nước này tăng lên 10.343 người. Nước này cũng ghi nhận thêm 27 ca tử vong và hiện tổng số người chết tăng lên 685 ca. Ngoài ra, Philippines ghi nhận thêm 112 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 1.618 người.
>>>Nhật Bản có thể sớm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Nga lại xác lập kỷ lục mới về số người mắc COVID-19 trong ngày
16:21' - 07/05/2020
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 11.231 trường hợp nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 lên 177.160 trường hợp. Đặc biệt, 48,7% số bệnh nhân mới không có biểu hiện lâm sàng.
-
Kinh tế tổng hợp
Nhật Bản sẽ là nước thứ 2 cho sử dụng remdesivir điều trị bệnh nhân COVID-19
16:15' - 07/05/2020
Nhật Bản cho biết nước này đang có kế hoạch cho phép sử dụng thuốc kháng virus remdesivir để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Nhật Bản và Hàn Quốc đẩy mạnh đàm phán
10:43'
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 8/7 cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương.
-
Kinh tế Thế giới
Eurogroup thống nhất ưu tiên củng cố tài khóa và thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng euro
09:21'
Ngày 7/7, tại Brussels (Bỉ), nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) đã tổ chức cuộc họp định kỳ nhằm trao đổi và thống nhất quan điểm về các vấn đề trọng tâm của khu vực.
-
Kinh tế Thế giới
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 khép lại với nhiều đồng thuận
09:01'
Ngày 7/7, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã bế mạc sau 2 ngày họp với nhiều đồng thuận.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu điều kiện có thể gia hạn thuế tiếp sau ngày 1/8
08:01'
Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ngày 1/8 là mốc thời hạn mới cho việc áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ nhưng có thể sẽ được tiếp tục gia hạn.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Trump công bố mức thuế quan mới đối với 14 quốc gia kể từ 1/8
06:55'
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 tuyên bố ít nhất 14 quốc gia sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Donald Trump: Mỹ sẽ áp thuế quan 25% đối với Nhật Bản, Hàn Quốc từ ngày 1/8
23:59' - 07/07/2025
Hàng hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chịu mức thuế quan 25% của Mỹ kể từ ngày 1/8/2025.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: EU và Mỹ tăng cường trao đổi cấp cao trước hạn chót
21:24' - 07/07/2025
Theo các nguồn thạo tin, nếu không có đột phá, mức thuế quan mà Mỹ áp đối với hàng hóa EU có thể tăng đáng kể, thậm chí lên tới 50% đối với một số mặt hàng.
-
Kinh tế Thế giới
Tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế Nhật Bản
20:02' - 07/07/2025
Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 7/7 đã hạ thấp đánh giá kinh tế nước này trong tháng 5 xuống mức "tồi tệ", lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ này trong 5 năm, cho thấy kinh tế ngấp nghé bờ vực suy thoái.
-
Kinh tế Thế giới
Nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD của BRICS gặp khó
17:54' - 07/07/2025
Tham vọng của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS về việc xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên biên giới độc lập, vốn được ấp ủ suốt một thập kỷ, một lần nữa lại chưa có những bước tiến đột phá.